Trong giai đoạn 2008-2016, năng suất lao động tăng trưởng thêm 22,5%. Ảnh: Quý Hòa
Năng suất lao động Việt Nam bằng 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp
Có dấu hiệu tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đã và đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang TFP.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tại Chương trình Đối thoại Chính sách "Tăng năng suất lao động cho Việt Nam", hôm 26.9, cho rằng, việc đo lường năng suất lao động của Việt Nam là rất cần thiết, qua đó đưa ra những biện pháp để thúc đẩy năng suất lao động tăng trưởng bền vững.
Năng suất lao động toàn nền kinh tế được tính bằng GDP/lao động, GDP tính theo giá so sánh 2010. Năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017.
Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp hai lần năng suất lao động trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng 50% nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.
Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tương đối cao, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với năng suất lao động bình quân của các nhóm nước phân chia theo thu nhập.
Tốc độ tăng trưởng bình quân năng suất lao động giai đoạn 2006-2012 là 3,29%/năm, nhưng giai đoạn 2012-2017 đã tăng lên 5,3%/năng, với mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.
Ông Thành cho rằng, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đang dần thay thế vai trò của cường độ vốn trong dẫn dắt tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khoa học - công nghệ không hạn chế, hai nguyên nhân chính khiến đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ở mức thấp, chỉ khoảng 40%. Trong khi đó, ở nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt trên dưới 50%, như Hàn Quốc là 51,5%, Trung Quốc là 52%, Thái Lan là 53%; Indonesia và Malaysia đều ở mức 49%. |
Suốt giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế vẫn duy trì năng suất lao động ở mức cao là ngành khai khoáng, sản xuất, phân phối điện, khí, nước nóng, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản và cung cấp nước,
Tuy nhiên, năng suất ở những ngành chủ chốt của nền kinh tế lại có năng suất chưa cao, như ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Thậm chí, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản còn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.
Thực ra, năng suất của Việt Nam ở mức thấp không phải lần đầu được đề cập. TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, từ năm 2016 đã cảnh báo, tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng giảm sớm trong khi thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn ở mức thấp. Sự sụt giảm trong năng suất lao động là nguyên nhân làm giảm sút tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2005-2013.
Trước đó, năm 2015, năng suất lao động ngành của Việt Nam hầu hết ở mức gần hoặc thấp nhất trong tương quan với các nước so sánh. Năng suất lao động 3 ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải, kho bãi, truyền thông của Việt Nam thấp nhất, xếp sau Campuchia, trong khi chỉ có nông nghiệp, điện, nước, khí đốt; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa là cao hơn Campuchia.
Dù vậy, Việt Nam cũng có năng suất cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia ở 3 nhóm ngành: Khai mỏ và khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.
“Có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đã và đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang TFP”, TS Thành kết luận cảnh báo.
Theo ông Thành, trong giai đoạn 2008-2016, năng suất lao động tăng trưởng thêm 22,5%. Hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng dịch chuyển làm tăng trưởng năng suất lao động trong khi hiệu ứng tương tác làm giảm tăng trưởng năng suất lao động.
Hiệu ứng dịch chuyển vẫn có đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng năng suất lao động so với hiệu ứng nội ngành. Hiệu ứng tương tác làm giảm tăng trưởng năng suất không nằm ngoài quy luật, vì việc dịch chuyển lao động nhanh và ngành có năng suất lao động thấp lên cao làm giảm năng suất ở cao.
Hai giả định được TS Thành nêu ra: Nếu Việt Nam có thể mở rộng thị trường quốc tế nhanh hơn nữa cho các ngành có năng suất lao động cao, thì hiệu ứng này sẽ bớt ảnh hưởng.
Nếu so sánh với một số nước Đông bắc Á, và ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp dù tốc độ tăng trưởng được duy trì khá cao. Hiệu ứng nội ngành dần vượt qua hiệu ứng dịch chuyển để dẫn dắt năng suất lao động của Việt Nam là xu hướng tích cực, cần được duy trì.