Năng suất lao động: Loay hoay tìm giải pháp
Sự “khác lạ” của kinh tế Việt Nam nên được nhận diện là căn nguyên khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn cả Lào, điều đã được ghi nhận liên tục từ năm 2013. Vì vậy, muốn thay đổi, phải đưa nền kinh tế trở về... bình thường.
Số liệu lệch pha
Trong báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Theo đó, so với năm 2016, năng suất lao động xã hội tăng gần 10 triệu đồng/lao động. Nhìn chung cả giai đoạn 2011-2017, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành lần lượt là: 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động; 93,2 triệu đồng/lao động.
Không ngạc nhiên khi Tổng cục Thống kê đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Bởi lẽ, thoạt nhìn, xu hướng tăng trưởng là không thể phủ nhận. Những con số lạnh lùng và khách quan được đưa ra đã giúp xoa dịu phần nào âu lo của dư luận về về khoảng 1,07 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó, 327.000 người có trình độ đại học trở lên. Cũng đỡ đi phần nào trăn trở chuyện mức lương trung bình của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp trong ASEAN, theo số liệu năm 2016, hay cảnh báo về việc Việt Nam đang tiến dần đến việc gia công toàn diện mà đương nhiên, không nhận được mức thu nhập cao sẽ bớt nhức nhối đôi phần.
Tiếc thay, năng suất lao động không tăng theo con đường vượt dốc và ngay cả những số liệu được ghi nhận nói trên cũng cần được xem xét lại. Đặt trong tương quan với các chỉ số khác, bức tranh không nhiều màu hồng như chúng ta tưởng. Thứ nhất, tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn năm 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tương ứng tăng từ xấp xỉ 105 tỉ USD (năm 2010) tới mức hơn 220 tỉ USD (năm 2017). Sự lệch pha rất lớn giữa tốc độ tăng quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cho thấy, tốc độ tăng trưởng quy mô kinh tế dựa vào các yếu tố ngoài lao động nhiều hơn, trong trường hợp này, nhiều khả năng đó là việc tăng quy mô vốn.
Số liệu trong báo cáo Động lực tăng trưởng: Thực trạng và áp lực đổi mới của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, cũng chỉ rõ, tốc độ tăng vốn đầu tư giai đoạn năm 2011-2017 đạt mức trung bình xấp xỉ 9%/năm. Tăng cường vốn cũng được ghi nhận là yếu tố căn bản đóng góp vào sự cải thiện năng suất lao động. Điều này không chỉ góp phần chứng minh cải thiện chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đang chậm mà quan trọng hơn, nó khiến cho không ai dám chắc rằng năng suất lao động xã hội tăng cùng chiều với thu nhập thực tế của từng người lao động.
Thứ 2, trong thành tích tăng trưởng GDP 6,81% năm 2017, đóng góp của khối FDI có vai trò vô cùng quan trọng. Thế nhưng, khi đầu tư FDI mới chủ yếu chỉ dừng ở mức gia công như hiện nay, phần giá thị tăng thêm trong các hoạt động kinh tế thuộc khối này không thuộc về người Việt. Quy mô nền kinh tế tăng kéo theo năng suất lao động tăng nhưng một lần nữa lại khẳng định, sự cải thiện này còn xa mới chạm vào thực chất.
Thứ 3, tại một diễn đàn diễn ra vào giữa tháng 12.2017, đại diện của World Bank đã một lần nữa cảnh báo, tốc độ tăng năng suất lao động thấp là một vấn đề Việt Nam cần phải quan tâm. Với tốc độ này, Việt Nam khó có thể duy trì đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước trong khu vực. Cần phải lưu ý thêm rằng, quan điểm này đã từng được đại diện World Bank đưa ra từ những năm 2015, khi mức tăng năng suất lao động chỉ đạt khoảng 4%.
Cải cách từ căn bản
Bối cảnh nói trên lại càng khiến dư luận thêm đứng ngồi không yên trước thực trạng năng suất lao động của Việt Nam thua cả Lào. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Sự đi sau này đã được ghi nhận từ năm 2013, khi Tổ chức Năng suất Lao động châu Á đã tính ra, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương của Lào là 8.600 USD/lao động, trong khi của Việt Nam là 8.500 USD/lao động.
Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lý giải: “Xem xét tới bối cảnh, tác động từ tình hình thế giới là không quá chênh lệch giữa hai nước, có thể thấy 3 yếu tố dẫn đến tình hình này: Một là, dân số Việt Nam đông, tỉ lệ số người tham gia vào lực lượng lao động lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ người thất nghiệp hoặc khiếm dụng lao động cao nên năng suất lao động bình quân (tức là phải chia cho cả những người không tham gia lao động) sẽ thấp đi.
Hai là, lao động nông nghiệp Việt Nam cao, khu vực này có năng suất lao động thấp. Vì vậy, năng suất lao động của khu vực công nghiệp và dịch vụ khi chia trung bình sẽ thấp. Ba là, tỉ lệ lao động được qua đào tạo của Việt Nam còn thấp, vì vậy, khi chia bình quân cho cả những lao động chưa qua đào tạo (năng suất lao động thấp) sẽ làm mức năng suất lao động trung bình giảm đi”.
Có vẻ như, nền kinh tế vốn bị coi là quy mô nhỏ và có xuất phát điểm chậm hơn Việt Nam đã tiếp cận đúng đắn hơn chúng ta trong vấn đề này. Giống như nhiều vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam, gần như là một nhiệm vụ “bất khả thi” nếu muốn tìm một giải pháp giải quyết nhanh gọn và rốt ráo rào cản đang tồn tại. Khuyến nghị nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, phát triển hệ thống giao thông, logistics, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp... chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết, hoặc mang lại lợi ích chủ yếu cho khối doanh nghiệp nước ngoài nếu chúng được thực hiện trên nền tảng yếu kém về doanh nghiệp, con người, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ... của Việt Nam.
Quả thật, Việt Nam có nhiều dư địa tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế. Sự cải tổ phải được thực hiện từ căn bản, đồng nghĩa, phải thực hiện một sự thay đổi về chất trong nền kinh tế Việt Nam, đưa nó tiệm cận chuẩn mực thông thường của các nền kinh tế phát triển.
Phó Giáo sư Trần Kim Chung phân tích rõ hơn, trong nền kinh tế thị trường, nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất do yếu tố cạnh tranh mang lại. Hay năng suất lao động (một yếu tố của nguồn lực) sẽ đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể. Nếu làm được như vậy, điều mà nền kinh tế đạt được không chỉ là năng suất lao động. Chỉ khi đó, người Việt mới có thể tiếp tục nuôi giấc mơ nền kinh tế hóa hổ.