Xăng dầu là một loại chi phí đầu vào của doanh nghiệp; khi giá xăng tăng, chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng. Ảnh: Qúy Hòa.

 
Minh Đức Thứ Hai | 01/11/2021 08:02

Năng lượng cho tăng trưởng

Sự bấp bênh về nguyên liệu tiếp tục là một sự nhắc nhở Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Giá xăng đang trên đà tăng “khủng khiếp” và đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm. “Việc giá xăng tăng phi mã sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận.

Xăng dầu là một loại chi phí đầu vào của doanh nghiệp; khi giá xăng tăng, chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng. Giá xăng dầu là một trong những nhân tố tác động mạnh nhất đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát, do đó sẽ không tránh khỏi tác động tiêu cực nếu không được kiểm soát kịp thời. “Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, việc giữ cho các yếu tố đầu vào ổn định rất quan trọng, vì qua đó mới giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân ổn định”, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh phân tích.

Giá xăng tăng trong bối cảnh giá nhiên liệu như than đá và khí đốt tự nhiên đang tăng vọt ở châu Âu và châu Á, thúc đẩy sự chuyển đổi sang các sản phẩm dầu như dầu diesel và dầu hỏa. Một cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao trùm thế giới khi được kích hoạt từ các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Trung Quốc tìm kiếm nguồn năng lượng phục vụ kế hoạch phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Bên cạnh đó, cam kết về zero carbon dẫn đến sức ép về nguồn cung năng lượng từ châu Âu đến Trung Quốc.

 

Khủng hoảng năng lượng diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang triển khai các kế hoạch phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh; đối mặt tình trạng lạm phát tăng cao; trong khi lại phải thúc đẩy chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu bền vững để ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, nhiệt điện than đang là nguồn cung cấp điện chủ đạo, chiếm khoảng 36% tổng công suất điện lắp đặt, với nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia, Nga và Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 27,3 triệu tấn than các loại, trị giá gần 2,8 tỉ USD. Giá than trung bình thế giới tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm. Giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN. Với mức tăng như tháng 7, tháng 8 thì theo tính toán sơ bộ, chi phí mua điện của EVN năm 2021 có thể tăng tới khoảng 16.600 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Cơn sốt của giá xăng và than phản ánh bài toán khó trong an ninh năng lượng của Việt Nam. Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhiệt điện và thủy điện cũng đang phải “cõng” hệ thống điện quốc gia do nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển quá nhanh, phân bố không đều đã gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện... Sự bất ổn về năng lượng điện khiến Việt Nam vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

 

Trong Quy hoạch điện VIII, theo đề án mới đệ trình, Bộ Công Thương sẽ tăng thêm khoảng 20.000 MW điện than mới, nâng công suất điện than từ 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW vào năm 2030 và tiếp tục tăng thêm khoảng 10.000 MW điện than trong giai đoạn tới năm 2045. Với lộ trình này, năng lượng hóa thạch sẽ chiếm 68-69% trong sản lượng điện quốc gia vào năm 2030, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu.

Trong tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu đã không đồng tình với Quy hoạch điện VIII.
Có ý kiến phản đối vì việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nó làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro về an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh giá nhiên liệu than và khí ngày càng đắt đỏ do nguồn cung bị thu hẹp.

Nhà phân tích Rahul Bhatia của Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này. Thực tế, Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong ASEAN. Phát triển năng lượng sạch là xu thế không thể cưỡng lại được khi các công ty toàn cầu có xu hướng tập trung ngày càng nhiều vào ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) và tính bền vững, đòi hỏi ngày càng nhiều nguồn lực bền vững có chất lượng tốt ở các quốc gia nơi họ hoạt động.