Nền kinh tế số toàn cầu dự kiến đạt 20.800 tỉ USD vào năm 2025. Ảnh: Quý Hòa.
Năng lực số không có đường tắt
“2 lĩnh vực chúng tôi quan tâm hơn cả là an toàn trực tuyến và sáng tạo nội dung số. Bởi vì chúng có điểm số thấp nhất trong 5 lĩnh vực khảo sát”, Phó Giáo sư Nguyễn Quang Trung, Trưởng nhóm Nghiên cứu Quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT, bình luận về kết quả nghiên cứu năng lực số khảo sát tại Việt Nam được tiến hành gần đây bởi nhóm của ông. “An toàn luôn quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Trên không gian mạng, nó còn quan trọng hơn”, ông Trung phân tích. “Tại thời điểm này, theo khảo sát của chúng tôi, an toàn trên môi trường mạng đối với người dân ở Việt Nam còn khá thấp”, ông nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Huy, Giám đốc Palo Alto Networks Việt Nam (PAWN), nhận xét: “Tại Việt Nam, tỉ lệ người dùng internet cao, đồng nghĩa với khả năng họ bị phơi nhiễm trước những nguy cơ mạng cũng nhiều”.
Cải thiện năng lực số
Dữ liệu lớn (big data), máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (A.I)... tất cả các công nghệ này đều dùng dữ liệu, vốn được ví là mỏ vàng mới cho tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, kết quả khảo sát về sáng tạo nội dung số cho thấy người Việt còn yếu trong việc tạo ra dữ liệu. “Vì vậy, chúng ta cần biết cách tạo và khai thác dữ liệu tốt hơn”, ông Trung nhấn mạnh.
Cũng theo kết quả nghiên cứu này, về tổng thể, mức độ thành thạo năng lực số của người dân đạt mức trung bình. Trên một số bảng xếp hạng khác, kỹ năng số của Việt Nam đạt vị trí tương đối thấp. Năm 2022, Việt Nam đạt thứ hạng 82/133 nước theo xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và chỉ có 11% lực lượng lao động trong nước có kỹ năng cao, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Để cải thiện năng lực số, theo ông Trung, sẽ không có đường tắt. “Trước đây, chúng tôi thường nói phải đi tắt đón đầu ở nhiều lĩnh vực. Nhưng trên thực tế, đối với kỹ năng số, nhất là kinh nghiệm từ các nước thành công trong phát triển kỹ năng số, chúng tôi cho rằng sẽ không có đường tắt. Thay vào đó, phải xây dựng một chiến lược bài bản và phải tổ chức quản trị thực thi tốt”, ông nói.
Từ mô hình của 4 quốc gia thành công trong việc phát triển năng lực số cho người dân như Singapore, Hàn Quốc, Estonia và Phần Lan, đội ngũ của ông đưa ra nhóm giải pháp gồm 6 điểm chính. Đầu tiên là phải bắt đầu từ các chương trình giáo dục, tiếp đến là các sáng kiến số của chính phủ và chính quyền, tiếp theo là chiến lược bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau, cho đến việc tăng cường hợp tác công tư, rồi xây dựng văn hóa học tập suốt đời và cuối cùng là thúc đẩy đổi mới và tính linh hoạt. Đây là những giải pháp được đề cập trong báo cáo và cũng là một chặng đường dài cần lên kế hoạch kỹ càng.
Nền kinh tế số toàn cầu dự kiến đạt 20.800 tỉ USD vào năm 2025. Sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số trong nước và thế giới thúc đẩy Chính phủ Việt Nam đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai. Đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% vào GDP, thương mại điện tử chiếm hơn 20% tổng doanh số bán lẻ và 100% doanh nghiệp áp dụng các nền tảng hợp đồng điện tử. Ngoài ra, tỉ trọng nhân công số trong lực lượng lao động sẽ vượt hơn 3%.
Thách thức và cơ hội
Theo RMIT, năng lực số không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh mà còn tạo ra rất nhiều cơ hội kinh tế khác, kể cả khắc phục được các điểm yếu cố hữu của nền kinh tế Việt Nam như năng suất thấp và còn nhiều lao động thất nghiệp thời vụ ở khu vực nông nghiệp. Năng lực số vững chắc cũng giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp có khả năng điều hành tiếp thị trực tuyến, thực hiện thương mại điện tử, phân tích dữ liệu, tương tác với khách hàng và triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 14 triệu người trong khu vực nông nghiệp ở nông thôn được ghi nhận là có việc làm, nhưng rất nhiều người trong số đó là thất nghiệp thời vụ (chỉ làm việc theo thời vụ). Đây cũng là một trong các lý do khiến năng suất lao động ở Việt Nam còn rất thấp”, ông Trung nhận định. Chỉ tính riêng lao động trong khu vực nông nghiệp đã hơn gấp đôi dân số của Singapore. Vì vậy, nếu có chương trình đào tạo bài bản, cải thiện, phát triển và nâng cao được năng lực số thì lực lượng này sẽ tạo ra thêm nhiều của cải và năng suất lao động sẽ tăng lên đáng kể.
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn đang ở cơ cấu dân số vàng, nhưng dân số sẽ già hóa cực kỳ nhanh chóng trong 1-2 thập niên tới. Do đó, thử thách đối với Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất lớn nếu không tận dụng tốt giai đoạn hiện nay. Ngay cả khoảng cách số vẫn đang tồn tại giữa các vùng miền, giữa các độ tuổi trong dân số và giữa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số.
Tuy vậy, một báo cáo về mức độ sẵn sàng số của PwC cho thấy triển vọng lạc quan hơn về tương lai số hóa ở Việt Nam. Gần như toàn bộ (89%) người phản hồi có cảm nhận tích cực về tác động của công nghệ lên công việc của họ, cao hơn con số 61% của khảo sát trên quy mô toàn cầu. Một tỉ lệ tương tự nghĩ rằng những tiến bộ công nghệ sẽ giúp cải thiện triển vọng công việc trong tương lai, vốn được tin rằng sẽ thay đổi trong 6-10 năm tới.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Giao dịch tại PwC Việt Nam, nhận xét: “Tôi nghĩ tâm lý lạc quan là điều tốt mà chúng ta có được”. Con số đó cho thấy mọi người quan tâm về công nghệ và xem đó là điều quan trọng cho chính bản thân họ và ông nghĩ doanh nghiệp cũng vậy. Để gia tốc trên nền tảng tâm lý tích cực này, ông Tuấn đề xuất doanh nghiệp nên mở ra một đường băng cho những người đã sẵn sàng để phát triển bản thân họ.
Doanh nghiệp sẽ có xu hướng phòng vệ trước rủi ro. Vì vậy, thách thức nằm ở việc vượt qua sự phòng vệ để tạo đường băng trong 5-10 năm tới. “Điều này không dễ dàng nhưng đó là việc chúng ta nên làm”, vị Phó Tổng Giám đốc của PwC nhấn mạnh.