Nâng chất lượng, giảm giá để đấu với đại gia Thái
Trước sức ép tăng chiết khấu quá cao từ các siêu thị sau khi rơi vào tay người Thái, mới đây Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có công văn gửi lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C đề nghị không tăng chiết khấu trong hợp đồng mới và giảm tổng mức chiết khấu cho các doanh nghiệp (DN).
Chiết khấu quá cao
Sau khi siêu thị Big C đòi tăng mức chiết khấu lên mức tối đa 25%, chịu không nổi mức chiết khấu khủng này và nhiều khoản chi phí bất hợp lý khác, một số công ty thủy sản Việt đã rút hàng khỏi hệ thống này. Đề cập đến vấn đề trên, ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon, cho hay công ty đã cắt các sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị Big C, chuyển sang tập trung khai thác những kênh phân phối khác. Bên cạnh đó công ty tăng cường xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc...
Ông Long nhận xét rằng việc Big C đẩy mức chiết khấu lên quá cao sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Chẳng hạn nó sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền, tác động xấu đến các hệ thống phân phối khác (tăng mức chiết khấu theo Big C).
“Ngành thực phẩm có mức lãi thấp, nếu mức chiết khấu 20% trở lên thì chịu sao nổi. Đó là chưa kể còn hàng đống chi phí khác, DN chỉ có lỗ. Vấn đề đặt ra là siêu thị đẩy mức chiết khấu lên cao dựa trên cơ sở nào thì phải lý giải công khai và cần có sự xem xét của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi tăng chiết khấu cao như vậy sẽ loại các công ty Việt Nam ra khỏi siêu thị” - ông Long phân tích.
Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, thông tin siêu thị Big C đưa ra chiết khấu quá cao, các công ty hết chịu nổi nên mới phản ứng mạnh. Thực tế để sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì DN ngành thực phẩm chịu mức chiết khấu khoảng 10% là hợp lý.
“Hiểu rõ những khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị ngoại nên chúng tôi đã phát triển nhiều kênh phân phối sản phẩm. Ví dụ đẩy mạnh đưa hàng vào cửa hàng tạp hóa, chợ, các chuỗi nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó cải tiến về bao bì, chất lượng sản phẩm để có thể tồn tại và phát triển.
Đại diện một công ty sản suất nước mắm cho biết thêm để cạnh tranh với hàng Thái tại các siêu thị, công ty cố gắng giữ phương pháp sản xuất nước mắm truyền thống, đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó công ty đã xây dựng các nhà máy ở các cảng cá để qua đó vừa giảm được chi phí, ít hao hụt nguyên liệu và chọn được nguyên liệu tươi ngon. “Đồng thời công ty đầu tư máy móc công nghệ chiết rót hiện đại để nâng cao năng suất” - vị đại diện công ty này nhấn mạnh.
Bắt tay tìm kênh phân phối chung
bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, nhận định khi thị trường mở cửa, hàng hóa tự do giao thương thì thách thức đối với DN Việt là điều hiển nhiên. Nhưng điều này cũng mở ra cơ hội cho công ty Việt chuyển mình để thích nghi với môi trường mới.
theo nghiên cứu của Nielsen, ngoài yếu tố tự hào dân tộc với hàng Việt ra, yếu tố quan trọng nhất đối với khách hàng khi đưa ra quyết định lựa chọn mua sản phẩm chính là vấn đề giá cả phải phù hợp với tính năng, chất lượng của sản phẩm. Nói cách khác, khách hàng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm có chất lượng lẫn tính năng đáng đồng tiền mà họ bỏ ra.
“Do đó, muốn cạnh tranh với các dòng sản phẩm ngoại nhập, công ty Việt phải cải thiện chất lượng sản phẩm, cung cấp được mức giá hợp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Điều quan trọng hơn hết, công ty Việt phải chủ động đổi mới, tạo những tiền đề vững chắc để sẵn sàng tham gia cuộc đua với các đối thủ nước ngoài” - bà Quỳnh nhấn mạnh.
Bà Quỳnh cũng khuyến nghị DN trong nước cần đầu tư về nhân lực để nắm chắc kiến thức quản lý ngành hàng ở kênh bán hàng hiện đại, đồng thời xây dựng đội ngũ phân phối/logistic chuyên nghiệp để phân phối hàng đến các cửa hàng hiện đại kịp thời và hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cũng khuyến cáo đối với nhà sản xuất, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ cần đầu tư cho hệ thống chuỗi cung ứng lẫn phân phối. Nếu chưa đủ nguồn lực thì liên kết, bắt tay với các DN, sản phẩm không cạnh tranh và có cùng khách hàng mục tiêu để hình thành một hệ thống phân phối chung có tính cam kết. Trên cơ sở đó giảm chi phí và gia tăng sức cạnh tranh hàng hóa cùng loại, đặc biệt là sức mạnh thương thảo với các siêu thị ngoại.
Xuất khẩu hàng sang Thái Lan Ông Phạm Ngọc Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên, nhìn nhận hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt. Nhìn từ góc độ áp lực cạnh tranh trước đối thủ ngoại, các công ty bánh kẹo trong nước nếu không có chiến lược đúng sẽ dễ bị thất thế, bởi miếng bánh thị trường bây giờ bị san sẻ rất nhiều. Nếu nhìn về cơ hội cho DN nội thì chính từ áp lực cạnh tranh của hàng ngoại buộc công ty trong nước phải cải thiện chất lượng, mẫu mã bao bì, dịch vụ khách hàng và giá cả. Nếu cứ giậm chân tại chỗ sẽ đi sau đối thủ. Đây cũng là lực đẩy bắt buộc DN phải đi tới. “Hiện nay ngoài thị trường trong nước, chúng tôi còn xuất khẩu đi nhiều nước và ở thị trường Thái sản phẩm của chúng tôi cũng đang bán rất tốt” - ông Thái tự tin. Dùng nhiều cách để ép hàng Việt Đại diện một công ty sản suất nước mắm cho biết sau khi hệ thống siêu thị Big C, Metro hay cửa hàng tiện lợi rơi vào tay người Thái Lan thì mặt hàng cùng loại của Thái tràn vào rất nhiều. Từ đó nước mắm của công ty bị cạnh tranh gay gắt. Không chỉ vậy, họ dùng nhiều cách để ép sản phẩm Việt, như yêu cầu giảm giá. Đơn cử 1 kg chượp cá cho ra 1,1 lít nước mắm 15 độ đạm, công ty bán ra thị trường với giá 15.000-18.000 đồng/chai nhưng siêu thị ép bán cho họ với giá chỉ 9.800 đồng. Họ làm như vậy để công ty Việt chỉ còn đường… rút khỏi siêu thị. |
Nguồn PLO