Nâng cấp hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ
Thưa Đại sứ, ngày 25/7/2013, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Cho đến nay, khuôn khổ hợp tác mới này đã tạo ra những thay đổi đáng kể nào trong quan hệ hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư?
Quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam là một trong những thành tựu quan trọng nhất giữa hai nước kể từ khi chúng ta bình thường hóa quan hệ ngoại giao gần 20 năm trước đây. Đó là một biểu tượng của những gì chúng ta đã đạt được và của những gì tương lai đang chờ đợi. Quan hệ đối tác toàn diện tạo khuôn khổ cho hai nước đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh quan hệ mới này, các nhà lãnh đạo của Việt Nam, Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định sẽ tăng cường thương mại đáng kể và làm sâu sắc hội nhập kinh tế của Việt Nam vào một khu vực chiếm 40% GDP của nền kinh tế thế giới.
TPP sẽ giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư mới từ Hoa Kỳ đang tìm kiếm những điểm đầu tư ổn định và chiến lược nhằm đẩy mạnh kinh doanh. Quan hệ đối tác toàn diện và TPP cũng sẽ tăng cường hợp tác và tạo ra những khuôn khổ cho các chương trình hỗ trợ lớn của Chính phủ Hoa Kỳ từ tất cả các cơ quan liên quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ Lao động. Sự hỗ trợ này sẽ đóng góp trực tiếp vào những cải cách và xây dựng năng lực, qua đó gia tăng thương mại và thúc đẩy tăng trưởng.
Hai nước cần làm gì để tiếp tục hiện thực hóa khuôn khổ hợp tác mới này, thưa Đại sứ?
Sức mạnh của quan hệ đối tác toàn diện phụ thuộc vào hành động của cả hai bên, trong đó có một cách là chúng ta cần đẩy mạnh các chuyến thăm cấp cao. Kể từ khi quan hệ này được thiết lập vào tháng 7/2013, đã có rất nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ sang Việt Nam, bao gồm Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker, Đại diện Thương mại Michael Froman, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Gina McCarthy và nhiều đoàn đại biểu quốc hội. Chúng tôi hy vọng rằng, nhiều chuyến thăm như vậy sẽ được tiếp tục.
Quan hệ đối tác toàn diện còn được thể hiện vượt trên cả các chuyến thăm cấp cao. Đó còn là một tuyên bố của tình hữu nghị và là một cam kết hiểu biết sâu rộng hơn nữa giữa hai quốc gia. Quan hệ này đòi hỏi việc lắng nghe gần gũi hơn, với một tư duy cởi mở, đồng tình đối thoại, thậm chí khi các quan điểm của chúng ta còn có những khác biệt.
Khi hướng tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam vào năm 2015, chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao quan hệ đối tác toàn diện này, kỷ niệm những thành tựu đã đạt được và hướng tới hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong vòng 20 năm tới và hơn nữa.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2001, Đại sứ đánh giá thế nào về kết quả mà BTA mang lại cho Việt Nam trong 13 năm qua và những gì chưa đạt được như kỳ vọng từ hiệp định này?
BTA là một mốc son vĩ đại nhất trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Thông qua việc giúp Việt Nam mở cửa ra thế giới bên ngoài, hiệp định này đã dọn đường cho việc tăng cường thương mại và thịnh vượng.
Minh chứng chính là, kể từ khi BTA được ký kết, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng vọt, từ 1,5 tỷ USD lên mức 29,7 tỷ USD hiện nay, tăng gần 20%/năm. Cũng kể từ khi ký kết BTA, Việt Nam tiếp tục gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007. Từ đó đến nay, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của chúng tôi, Việt Nam đã có chính sách lớn về hội nhập kinh tế, thông qua việc tham gia đàm phán TPP và các hiệp định thương mại tự do khác với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và nhiều đối tác khác.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tầm quan trọng chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, có sự cam kết cao về thương mại cũng như tăng cường sức mạnh cho khối ASEAN, đồng thời là một trong những đối tác quan trọng trong việc hình thành và thiết lập TPP. Quan điểm của ngài về nhận định này như thế nào?
Hoa Kỳ mong muốn thấy một Việt Nam độc lập, thịnh vượng và hùng mạnh. Lợi ích chiến lược của chúng tôi chính là Việt Nam tự đưa ra các quyết định và phát triển theo con đường của riêng mình. Độc lập về kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này. Đây là lý do vì sao chúng tôi tiếp cận Việt Nam thông qua TPP. Hiệp định này sẽ giúp hai nước phát triển quan hệ thương mại và kinh tế, qua đó sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của hai nước.
Nguồn BizLive