Nâng cao giá trị xuất khẩu trong CPTPP
Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và 10 quốc gia vừa ký kết được đánh giá là tạo ra xung lực, cú hích mạnh mẽ khi mang lại những cơ hội rất lớn cho kinh tế, thương mại và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiệp định này cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn đối với một số lĩnh vực như việc tăng hàm lượng giá trị hàng xuất khẩu, sức ép lớn đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như hoạt động của công đoàn.
Việc có những cơ hội lớn, đi kèm những thách thức lớn luôn là bản chất của mỗi cam kết tự do thương mại nên không quá lo ngại nếu chúng ta sẵn sàng. Đối với CPTPP, cơ hội chắc chắn nhiều hơn thách thức. Cơ hội do nó mang lại cũng lớn hơn các FTA khác, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cuộc chơi với những thách thức, thậm chí rủi ro lớn hơn.
Điển hình như trong lĩnh vực xuất khẩu, một lĩnh vực mà Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những đột phá nhờ CPTPP. Tuy nhiên, giá trị trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất thấp, chủ yếu là gia công, tận dụng lao động giá rẻ và phụ thuộc rất lớn nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Nếu những vấn đề này không được giải quyết nhanh hơn thì việc đóng góp giá trị thực cho tăng trưởng sẽ không nhiều, đồng thời khó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
CPTPP là động lực phát triển kinh tế, chính trị, xã hội |
Ngay thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ chịu những cạnh tranh rất lớn bởi với CPTPP, những cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm hàng rào thuế quan là cao hơn, sâu hơn và triệt để hơn bất cứ FTA nào mà chúng ta đã và đang tham gia. Theo dự kiến, chỉ trong năm 2018, khi hiệp định được thông qua thì khoảng 97% số dòng thuế sẽ về 0% ngay lập tức. Số nhỏ còn lại theo lộ trình cũng sẽ bị xóa bỏ.
Như vậy, độ mở của thị trường sẽ ngày càng lớn khi những cam kết mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ ngày càng mạnh. Khi đó, doanh nghiệp Việt dễ dàng đi ra nước ngoài nhưng ngược lại, doanh nghiệp các nước trong CPTPP cũng dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam và cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.
Trong cuộc cạnh tranh này, thách thức với doanh nghiệp Việt là rất lớn bởi doanh nghiệp các nước phát triển trong CPTPP như Nhật Bản, New Zealand hay Canada làm ăn rất bài bản, nhiều kinh nghiệm và có nguồn vốn lớn. Ngược lại, Việt Nam chúng ta có tới gần 98% số doanh nghiệp là nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, kéo theo đó là khả năng quản trị kém, năng lực cạnh tranh yếu. Sức ép không chỉ thấy rõ ở cấp độ quốc gia mà còn ở từng ngành hàng, doanh nghiệp và từng dịch vụ, sản phẩm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để có thể trụ vững trước cạnh tranh CPTPP, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những cam kết, nhất là quy định pháp luật, trong hiệp định, nhất là những điều khoản liên quan tới doanh nghiệp mình, song song với đó là phải đầu tư vào khoa học, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh một loạt những cam kết truyền thống thì vấn đề phi truyền thống đáng chú ý trong Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính là xử lý các vấn đề tranh chấp trong công đoàn và lao động.
Với cam kết về lĩnh vực này trong CPTPP, người lao động có quyền được đàm phán tập thể, thành lập công đoàn công sở để bảo vệ cho quyền lợi của mình, đồng thời yêu cầu các chế tài khắt khe trong xử lý tranh chấp trong 3 năm, nếu không thực thi sẽ có các biện pháp trừng phạt thương mại. Như vậy, nếu công đoàn hiện nay của chúng ta không tích cực kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra.