Mai Hân Thứ Tư | 04/07/2018 17:02

Nam Việt chuyển nhượng toàn bộ Thủy sản Biển Đông

Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) sẽ thực hiện bán toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông.

Cụ thể, Công ty sẽ bán toàn bộ số vốn góp có giá trị hơn 5,3 tỉ đồng, ứng với 90,91% vốn điều lệ tại Thủy sản Biển Đông. Công ty ủy quyền cho ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT, là người chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng, đàm phán và tự quyết định giá bán. Đồng thời, ông Tới cũng sẽ là người chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng chuyển nhượng.

Năm 2018, ANV đặt mục tiêu tổng doanh thu bán hàng và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3,200 tỉ đồng và 250 tỉ đồng. So với kết quả năm 2017, kỳ vọng mức tăng trưởng là 8.5% và 73%. Quý I/2018, doanh thu thuần của Công ty đạt hơn 814 tỉ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Về mặt lợi nhuận, Công ty lãi sau thuế gần 76 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017. So với kế hoạch đặt ra cho năm 2018, Công ty đã thực hiện được hơn 30% kế hoạch về lợi nhuận.

Sau một thời gian tăng trưởng nóng, cổ phiếu ANV có diễn biến hạ nhiệt nhanh chóng trong tháng 6.2018 với hàng loạt phiên giảm điểm. Tính đến phiên sáng nay, ngày 4.7, mỗi cổ phiếu ANV chỉ còn có giá 18.400 đồng/cp, mất hơn 40% thị giá so với mức đỉnh 26.555 đồng/cp (17.4.2018).

Trước đó, do tình hình hoạt động kinh doanh tốt trong năm 2017 cũng như hứa hẹn tăng trưởng trong năm 2018, cổ phiếu ANV liên tục tăng giá. Từ mức giá bèo 3.000 đồng/cp một năm trước, giá cổ phiếu ANV tăng tới gần 650% lên trên mức giá 26.000 đồng/cp. Theo đà tăng giá đó, hoạt động giao dịch đối với cổ phiếu này cũng hết sức sôi động, bình quân trong quý trên 800.000 cp ANV được giao dịch mỗi phiên.

Trong năm 2017, ANV ghi nhận doanh thu thuần 2,949 tỉ đồng, tăng hơn 4% so năm 2016 nhờ gia tăng giá bán thành phẩm. Lợi nhuận gộp cũng có sự cải thiện khi tăng từ 361 tỉ đồng lên 432 tỉ đồng. Trong khi các chi phí lại giảm đáng kể và đặc biệt Công ty đã cắt giảm được khoản lỗ lớn từ Liên doanh liên kết. Nhờ đó, cuối cùng ANV lãi ròng tới 142 tỉ đồng, tăng vọt so mức 13 tỉ của năm 2016.

Theo ANV, năm qua Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường chính nhập khẩu cá tra của Việt Nam với kim ngạch đạt 420 triệu USD, tăng 37% so với năm trước. Trong khi đó, giá cá tra cuối năm 2017 vẫn duy trì ở mức cao khiến người nuôi trồng được lợi lớn.

Đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra vẫn duy trì nhịp độ tốt, dự báo giá cá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên. Đây là cơ hội lớn để ANV tăng trưởng doanh thu năm 2018.

Tính tới thời điểm 31.3, tổng tài sản của ANV đạt trên 3,020 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Biến động chủ yếu là do khoản mục tài sản dài hạn, trong đó, đầu tư dài hạn của Công ty tăng hơn 300 tỉ đồng đạt 769 tỉ đồng.

Chủ yếu là nằm ở khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn với con số lên tới 620 tỉ đồng. Kết thúc quý I, nợ phải trả của Công ty là 1,550 tỉ đồng kéo tỷ trọng nợ phải trả trên tổng sản của Công ty tăng nhẹ so với đầu năm, từ 48% lên trên 51%. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng 13% lên mức 1,159 tỉ đồng, chiếm tới 75% tổng nợ phải trả.

Trong năm 2018, ANV cho biết sẽ tích cực hoạt động sản xuất trong ngành, tiếp tục thoái vốn tại các dự án ngoài ngành. Tìm kiếm thêm khách hàng, tận dụng lợi thế CPTPP, FTA...