Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn. Nguồn ảnh: UOB
Nằm giữa giao lộ của thế giới, Việt Nam đối diện nhiều cơ hội và thách thức
Việt Nam đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, dân số hơn 4,8 tỉ người.
“Chúng ta hoàn toàn tự tin có thể mở rộng thị trường thông qua các cơ chế liên kết thị trường như FTA”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu trong Hội nghị thường niên “Gateway to ASEAN” (Cửa ngõ vào ASEAN) năm 2024 do Ngân hàng UOB tổ chức tại TP.HCM vào ngày 6/9/2024.
Việt Nam: Điểm sáng kinh tế khu vực
“Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.”, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định chung về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc+1”.
Vị Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc thay đổi các hành vi, thói quen tiêu dùng thông qua thương mại điện tử, du lịch xanh gắn với điểm đến an toàn, thân thiện, gắn với cái dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang hình thành và phát triển. Việc phát triển bền vững trở thành một xu hướng bao trùm của thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là mô hình phát triển của nhiều quốc gia. “Đây vừa là cơ hội và cũng vừa là thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển”, ông Phan Văn Mãi phân tích.
Tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh cũng là một cơ hội và thách thức khác với Việt Nam. Việc hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo giữa các thành phố lớn đang gia tăng với tốc độ rất cao. “Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo đã tác động ngày càng sâu sắc đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam và TP.HCM”, vị lãnh đạo TP.HCM nói.
Hiện có 125 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn TP.HCM với hơn 13.000 dự án và tổng vốn đầu tư là gần 90 tỉ USD, trong đó Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2.000 dự án.
“Trong hơn 10 năm qua, hơn 4.500 công ty đã sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của chúng tôi để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN”, ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng UOB (Singapore) chia sẻ, “Riêng đối với Việt Nam, chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 300 công ty các nước mở rộng vào Việt Nam trong 5 năm qua.”, ông cho biết thêm. Theo đó, các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đô la Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam.
ASEAN: Khu vực kinh tế năng động của thế giới
ASEAN là một khu vực kinh tế kết nối, trẻ và năng động với quy mô dân số hơn 700 triệu người với nhiều nền văn hóa đa dạng, có nhiều thế mạnh và cơ hội kinh tế.
Vị lãnh đạo của UOB Singapore cho rằng, theo quan sát của UOB, có ba thành tố thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của ASEAN. Cụ thể là các chính sách của chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, xu hướng phi tập trung chuỗi cung ứng sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại, và các ngành công nghiệp giúp đẩy mạnh nền kinh tế xanh.
Trong bối cảnh thị trường biến động và bất ổn toàn cầu, ASEAN đã vượt qua tốt các rủi ro suy thoái, duy trì tăng trưởng, lạm phát thấp hơn so với các khu vực kinh tế khác. Bất chấp vô số thách thức kinh tế vĩ mô, từ nền kinh tế toàn cầu chậm lại và lạm phát, đến giá hàng hóa biến động và căng thẳng địa chính trị, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng của ASEAN sẽ tăng tốc lên 5% trong năm 2024, mức mà khu vực này về cơ bản đã duy trì trong phần lớn thập kỷ qua.
Có nhiều yếu tố khác nhau thúc đẩy sự trỗi dậy của ASEAN, đó là lợi thế về lực lượng dân số trẻ năng động ngày càng am hiểu về công nghệ, tầng lớp trung lưu đang phát triển, đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa, vị trí địa lý nằm ở khu vực “giao lộ” của các tuyến thương mại chính toàn cầu qua lại với giá trị khoảng 3,4 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Vốn là khu vực tương đối ổn định về nhiều mặt, các công ty quốc tế đang dần điều hướng sản xuất trong chuỗi cung ứng sang ASEAN để tăng tính ổn định chuỗi, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa, giảm bớt rủi ro và đón đầu khả năng phục hồi trong bối cảnh gia tăng thương mại do các FTA mang lại đi kèm với làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ và Trung Quốc vào khu vực này.
Sức hấp dẫn của ASEAN so với các khu vực kinh tế khác trên thế giới còn thể hiện ở chỉ số thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ổn định trong những năm gần đây. Đông Nam Á là điểm đến lớn thứ hai của FDI trên toàn cầu, sau Hoa Kỳ. Năm 2023, dòng vốn FDI đổ vào Đông Nam Á tăng 1,2%, mặc dù FDI toàn cầu giảm. Singapore, Indonesia và Việt Nam là những nước tiếp nhận FDI hàng đầu trong khu vực, với các khoản đầu tư chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong và Nhật Bản.
Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với ASEAN và nắm bắt được các cơ hội kinh doanh tại khu vực, Ngân hàng UOB đã khởi xướng Hội nghị kinh tế khu vực mang tên “Gateway to ASEAN” và tổ chức thường niên tại các quốc gia ASEAN nơi UOB có hoạt động kinh doanh. Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam sau khi được tổ chức tại Singapore và Indonesia vào các năm trước.
Có thể bạn quan tâm: