Nam Anh và hành trình chinh phục nấm “vua”
Giống nấm khổng lồ mang tên “Hoàng Đế” mang lại nhiều hy vọng lạc quan cho ngành trồng nấm của Việt Nam. Ít ai nghĩ 25 kg là trọng lượng của một cụm nấm sau 4 tuần trồng. Nhìn kích thước khổng lồ, có người nghĩ ngay đây là nấm mô hình cao su hoặc có sử dụng thuốc tăng trưởng. “Chúng có thể đạt được khối lượng 17-30 kg mỗi cây, đạt chiều cao khoảng 70-80 cm”, anh Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Công ty Nam Anh, chủ sở hữu quy trình và công nghệ trồng loại nấm nói trên, giới thiệu về loại nấm có hình dáng khác lạ này.
Thực chất đây là giống nấm mới, được lai tạo từ giống nấm Milky, một trong những giống nấm lớn nhất thế giới, với một số giống nấm trong tự nhiên của Việt Nam, thường có ở trong những cánh rừng trên dãy Hoàng Liên Sơn. Anh Kiên tự hào lấy tên “Hoàng Đế” để đặt tên cho giống nấm mới với nhiều đặc tính đặc biệt này.
Có 2 bằng đại học chuyên ngành ngôn ngữ và ngành công tác thanh niên nhưng anh Kiên lại có duyên với nấm. Tới tháng 3.2012, mô hình trồng nấm của Công ty Nam Anh được hình thành với sự giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật. Qua đó, Nam Anh thực hiện mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại vùng đất Thái Bình. Hiện nay, lượng khách hàng tập trung chủ yếu tại một số tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng và Hải Dương.
Cơ sở trồng nấm của anh Kiên rộng 1 ha, bao gồm khu nhà nuôi trồng, nhà xưởng sản xuất giống. Ngoài ra, anh còn thực hiện mô hình liên kết với bà con nông dân với tổng diện tích khoảng 30 ha, trồng các loại nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi và giống nấm mới Hoàng Đế.
“Năng suất nấm Hoàng Đế rất cao, tốc độ phát triển của sợi nấm khỏe nên tránh được rất nhiều loại bệnh và các loại sâu bọ có hại. Hàm lượng dinh dưỡng của nấm đạt mức 80% nên khá tốt cho sức khỏe”, anh Kiên cho biết. Milky được xem là giống nấm khỏe nhất trong họ nhà nấm và cũng được xem là dễ chăm sóc nhất trong tất cả các loại nấm. Nấm Milky còn có mặt tại Ấn Độ và một số nước châu Á, với giá trị dinh dưỡng thực phẩm cao còn được tinh chiết để sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Trước khi anh Kiên và các cộng sự nghiên cứu thành công, loại nấm này không phổ biến tại Việt Nam, giá nấm giống lên đến 1.700-2.000 USD. Và cho đến nay, quy trình trồng và chăm sóc loại nấm đắt giá này tương tự như trồng và chăm sóc các loại nấm bình dân tại Việt Nam.
Mỗi bịch nấm Hoàng Đế giống được anh Kiên bán cho nông dân với giá 15.000 đồng. Sau thời gian chăm sóc, 1 bịch giá thể sẽ cho ra 1-1,2 kg nấm con và được Công ty ký hợp đồng bao tiêu thu mua với giá 35.000 đồng. “Mỗi hộ dân thường trồng từ hàng ngàn đến hàng vạn bịch giá thể, nên sau 3 tháng bán lại cho Công ty, lợi nhuận thu được khoảng hơn 100 triệu đồng”, anh Kiên chia sẻ.
Nấm Hoàng Đế có ruột đặc, chắc, hương vị thơm ngon, chế biến được nhiều món ăn. Giống nấm này thường sử dụng trong các món trứng chiên, mì ống, pizza, món xào và món cà ri... Đặc biệt, việc bảo quản khá đơn giản, không cần sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhiệt độ khoảng 15 độ, giữ được 20-25 ngày. Nấm cung ứng cho đơn vị phân phối với giá bán 140.000-150.000/kg. Từ khi trồng đến khi thu hoạch giống nấm này là 3 tháng, gồm 2-3 đợt thu hoạch, sau khi thu hoạch có thể sử dụng bọc nấm cũ làm phân vi sinh để tưới ruộng và cây trồng.
Anh Kiên cho biết, hiện Công ty đang liên kết tìm đầu ra cho tất cả các sản phẩm nấm, thêm vào đó chất lượng nấm không thua nấm cao cấp khác và giá thành khá hợp lý nên Công ty cũng tự tin hơn việc bao tiêu này với bà con nông dân.
Hiện nay, cơ sở trồng được 16 loại nấm, đưa ra thị trường 6 giống nấm cho bà con nông dân. Mỗi ngày, Công ty cung ứng được gần 6.000 bịch nấm cho các hộ trồng, gần 1.000 kg nấm cho thị trường. Năm 2014, tức chỉ sau 2 năm thực hiện mô hình trồng nấm Hoàng Đế, doanh thu Công ty Nam Anh đạt được gần 10 tỉ đồng. Bình quân mỗi năm, Công ty tiêu thụ trên 1.500 tấn nguyên liệu trồng nấm từ rơm, rạ, lõi ngô, mùn cưa... sẵn có tại địa phương, tránh được việc đốt gây ô nhiễm và còn tạo thêm được nguồn thu nhập phụ từ việc bán rơm rạ cho bà con nông dân.
Cùng với một số nấm ăn, Nam Anh cũng đầu tư vào loại nấm đông trùng hạ thảo và cũng đã có những lô hàng xuất bán phục vụ thị trường nội địa. Trung bình, mỗi năm, Công ty xuất được khoảng 3 tấn nấm cho các công ty dược liệu. Trong năm nay, Công ty cũng phối hợp với doanh nghiệp Nhật mở rộng quy mô sản xuất, cũng như thực hiện việc đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để đưa sản phẩm này ra nước ngoài với doanh số dự kiến của riêng mặt hàng này là 12 tỉ đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mỗi ngày, Việt Nam phải nhập khẩu 14,8 tấn nấm cao cấp như nấm kim châm, nấm đùi gà từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Tổng sản lượng các loại nấm này được trồng tại một số doanh nghiệp sản xuất chính tại Việt Nam đạt 2-3 tấn/ngày. Như vậy, với mô hình trồng nấm được đầu tư thiết bị công nghệ, lai tạo các loại nấm với những phẩm chất của các giống nấm cao cấp, quy trình trồng đơn giản... như Nam Anh sẽ là một cơ hội giúp cho nông dân và doanh nghiệp nội địa có thể mở rộng hơn thị trường nấm Việt Nam.
Đức Tài