Hình ảnh minh họa: TL.
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất?
Tính đến đầu tháng 12/2022, lãi suất huy động bình quân đã tăng từ 2,0-2,5 điểm % so với cuối năm 2021 và cao hơn 0,6 - 1,2 điểm % so với trước COVID-19. Mức tăng cao nhất là ở các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 10/2022, người dân đang gửi hơn 5,66 triệu tỉ đồng ở các tổ chức tín dụng, tăng 6,78% so với cuối năm 2021. Năm 2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết họ kỳ vọng tiền gửi khu vực dân cư hồi phục nhờ lãi suất huy động tăng, bong bóng đầu cơ đất đai xẹp, kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt và thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm đi tính hấp dẫn do nhà đầu tư cân đối lại kỳ vọng lợi nhuận/rủi ro.
Cũng theo VDSC, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục có sự phân hoá do: 1) cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân để giải quyết vấn đề thanh khoản; 2) định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hướng đà tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước; 3) cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi chấp nhận dịch chuyển đến nơi có lãi suất tiền gửi thấp hơn để hạn chế rủi ro sau sự kiện SCB.
Liên quan đến sự phân hóa giữa các ngân hàng thương mại, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng do các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại tầm trung, sẽ có rào cản để các ngân hàng thương mại nhỏ và vừa có thể huy động từ thị trường tiền gửi, đặc biệt là các ngân hàng yếu hay chưa có sự nhận diện thương hiệu tốt. Lo ngại mất tiền gốc sẽ cần được bù đắp bởi mức lãi suất hợp lý. Ngược lại, các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp hơn đáng kể.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 2 điểm % lãi suất điều hành trước áp lực tỉ giá. Cơn lốc tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạm lắng trong năm 2023 với triển vọng các bước tăng thấp hơn và mức độ dự đoán tốt hơn.
Theo VDSC, hiện tại mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến trong nền kinh tế đang tiệm cận về mức lãi suất của năm 2013. Trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, VDSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm