Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần của Tường An đạt 5.247 tỉ đồng, tăng 26,67% so với năm 2019. Ảnh: TAC.

 
Minh Anh Thứ Sáu | 18/06/2021 11:13

Năm 2021, Tường An đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.266 tỉ đồng, chuyển đổi mô hình kinh doanh

Ngày 17.6, Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) báo cáo kết quả kinh doanh 2020, và đưa ra kế hoạch kinh doanh 2021.

Hoàn thành vượt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận

2020 là một năm đầy biến động của nền kinh tế thế giới khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống thấp nhất trong những năm qua. Dịch COVID-19 bùng phát, nhưng năm 2020 được đánh giá là một năm đột phá của Tường An khi các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đều vượt kế hoạch đề ra.

Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần của Tường An đạt 5.247 tỉ đồng, tăng 26,67% so với năm 2019, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 762 tỉ đồng, tăng 15,22% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu đến từ phân khúc trung và cao cấp tăng 23% so với năm 2019. Với kết quả này, HĐQT trình phương án dùng 67,8 tỉ đồng để chia cổ tức tỷ lệ 20%, đã tạm ứng vào đầu năm.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc điều hành, cho biết: Giá dầu nguyên liệu năm 2020 cao nhất trong 9 năm qua. Cùng với đó, dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu, tăng mua hàng kênh online. Để ứng phó, doanh nghiệp đã tung ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng, gia tăng kênh phân phối để tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn.

Ảnh:TAC.

Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An. Ảnh: TAC.

Tổng giám đốc đánh giá năm 2021 là năm vẫn còn nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen đối với ngành thực phẩm. Đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị thu hẹp, hoạt động thương mại – đầu tư chưa có dấu hiệu khởi sắc, thị trường tiền tệ không ổn định. Dù một số quốc gia hiện nay đã tiêm ngừa vaccine bắt đầu mở cửa trở lại nhưng hệ thống các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới vẫn còn đứt quãng dẫn đến việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, biến động giá cả, vận chuyển và logistics…

Ông Tùng chia sẻ việc đứt quãng chuỗi cung ứng khiến giá dầu nguyên liệu hiện nay tăng 67% so với cùng kỳ năm trước và đạt đỉnh 10 năm. Trong khi đó, giá bán không tăng theo được do thị trường không chấp nhận. Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp đang cực kỳ thận trọng với nguồn nguyên liệu dầu nhập khẩu trong việc tìm kiếm thị trường và giá mua.

Tiếp tục tận dụng lợi thế và chuyển đổi mô hình kinh doanh

Mức độ tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực (13,5kg/năm, theo WHO). Lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn mức khuyến nghị bởi WHO. Do vậy, ngành dầu ăn tại Việt Nam được dự đoán vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển và được dự báo đạt mức 35.000 tỉ đồng vào năm 2024.

Tại đại hội, HĐQT trình phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu ăn, bơ thực vật. Với định hướng chiến lược kinh doanh thay đổi, Dầu Tường An chủ yếu thực hiện sản xuất sản phẩm và bán cho một số khách hàng, việc bán và phần lớn phân phối sản phẩm cho công ty mẹ - Tập đoàn Kido đảm nhận.

Dầu Tường An sẽ ký hợp đồng mua bán sản phẩm cùng Kido để tập đoàn này thực hiện phân phối, bán sản phẩm cho tất cả các kênh bán hàng trong nước và nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên Hội đồng Quản trị, chia sẻ: Trong định hướng sắp tới, Kido phát triển theo ngành hàng chứ không theo công ty. Các nhà máy trong tập đoàn sẽ tập trung vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ảnh: TL.
Tường An đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 đạt 5.266 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 232 tỉ đồng; lần lượt tăng 0,36% và 5% so với năm 2020. Ảnh: TAC.

Cùng với đó, tập đoàn có chiến lược mở chuỗi bán lẻ để tăng khả năng cạnh tranh khi mà các hiệp định thương mại được ký ngày càng nhiều tạo điều kiện cho các thương hiệu tiêu dùng nước ngoài đưa hàng vào Việt Nam. Nếu không chuẩn bị, hàng hóa Việt Nam có nguy cơ bị mất thị phần ngay trên sân nhà. Dầu Tường An chưa hiện hữu nhiều ở phía Bắc, ban lãnh đạo tin rằng thời gian tới việc đầu tư nhà máy Dầu Vinh sẽ giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường này.

Bên cạnh đó, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, HĐQT Dầu Tường An trình cổ đông xem xét đầu tư mở rộng nhà máy Dầu Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư hơn 625 tỉ đồng và mở rộng nhà máy Dầu Vinh với tổng đầu tư 292 tỉ đồng. Tổng đầu tư khoảng 917 tỉ đồng. Nguồn tiền đầu tư đến từ vốn tự có, vốn vay và vốn phát hành thêm cổ phiếu.

Tường An đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 đạt 5.266 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 232 tỉ đồng; lần lượt tăng 0,36% và 5% so với năm 2020. Tỉ lệ chia cổ tức dự kiến là 20%.