Ảnh: TL

 
Hà Linh Thứ Năm | 26/12/2019 17:46

Năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam đạt 38 tỷ USD, Hàn Quốc đầu tư nhiều nhất

Năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.  Trong đó, giải ngân vốn đầu tư đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Về vốn đăng ký góp mới, cả nước có 3.883 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 16,75 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh là 5,8 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

Về vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.

Cục đầu tư nước ngoài cho biết, mặc dù số lượt dự án đăng ký đầu tư mới tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018, song tổng vốn đăng ký mới lại giảm. Nguyên nhân là do quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án đã giảm từ mức 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019.

Năm nay, ít có dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư mới. Dự án điều chỉnh vốn cũng tương tự. Tuy số lượt dự án xin điều chỉnh vốn tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tổng vốn điều chỉnh lại giảm. 

Trong năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án khá nhỏ, bình quân chỉ 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh. Cùng lúc đó, lại không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành hàng được đầu tư nhiều nhất trong năm 2019. Ảnh:
Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành hàng được đầu tư nhiều nhất trong năm 2019. Ảnh: Baodautu.vn

Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký, năm 2019 chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. 

Số liệu thống kê cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản, với 17,8% tổng giá trị.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ…

Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2019. Ảnh:
Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2019. Ảnh: baodauthau.vn

Theo đối tác đầu tư, đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông). 

Singpore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc... 

Trong khi đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 62 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nức ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư tại Hà Nội chủ yếu là theo phương thức góp vốn, mua cổ phần với 6,47 tỷ USD, chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 8,3 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư. Cũng giống như Hà Nội, đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh theo phương thức góp vốn, mua cổ phần chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 67,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Thành phố và chiếm 58,1% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh,...

Năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Xinh-ga-po. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều buổi đối thoại chính sách, tọa đàm với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Ấn Độ,...

►Vốn FDI Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam

Vốn FDI đổ vào ASEAN đạt mức kỷ lục

Cuộn sóng FDI từ Hàn Quốc