Ảnh: Báo Giao thông.
Năm 2019, Hòa Phát báo lãi sau thuế giảm 12% so với năm 2018
Quý IV/2019, Tập đoàn ghi nhận 18.282 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 23%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.923 tỷ đồng, tăng tương ứng 9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản lượng thép xây dựng và ống thép đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, nhưng do giá bán thép tăng không tương ứng với giá vốn nguyên vật liệu tăng cao, dẫn tới biên lợi gộp giảm từ 17,5% cùng kỳ về còn 15,7% trong quý IV/2019.
Cả năm 2019, HPG đạt được 63.658 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng cả năm đạt 14%, Lợi nhuận sau thuế sụt giảm còn 7.578 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 12%. Tuy doanh thu với chỉ đạt 91% kế hoạch, nhưng lợi nhuận đã vượt chỉ tiêu 13% kế hoạch năm mà ĐHCĐ giao phó đầu năm 2019.
Về thị trường thép xây dựng, HPG cung ứng sản lượng 2,8 triệu tấn thép cho thị trường, tăng trưởng sản lượng 16,7%, chiếm 26,2% thị phần thép xây dựng.
Về thị trường ống thép, HPG cho biết tập đoàn đạt 751.000 tấn ống thép, tăng trưởng 15%, đồng thời, duy vị trí số 1 thị phần ống thép tại Việt Nam với 31,5%. HPG cũng vừa khánh thành nhà máy ống thép cơ lớn tại Hưng Yên, với công suất 100.000 tấn/năm, sản xuất sản phẩm ống thép đường kính cỡ lớn 325mm.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Quảng Ngãi đang được gấp rút triển khai những công đoạn cuối cùng. Hiện tại, 2 lò cao sản xuất phôi thép xây dựng hiện đã sản xuất với công suất tối đa là 2 triệu tấn/năm, đóng góp chung vào sản lượng tăng mạnh của HPG trong Quý IV/2019 với thị trường mục tiêu tại phía Nam.
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, với việc vận hành ổn định 2 lò cao giai đoạn I của Dự án Dung Quất, mục tiêu cho năm 2020 vẫn là thị trường thép xây dựng với sản lượng 3,5 – 3,6 triệu tấn tung ra thị trường, tăng trưởng 39% so với 2019, thị trường mục tiêu tại miền Nam, dự kiến tập đoàn sẽ tăng 100% sản lượng ở thị trường này. Liên quan đến thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép dài nhập khẩu sẽ hết hạn vào tháng 03/2020, ban lãnh đạo công ty cho rằng nhiều khả năng sẽ tiếp tục được gia hạn, tuy nhiên thời hạn của lần gia hạn mới có thể sẽ ít hơn 5 năm. Ngoài ra, sau khi thuế tự vệ hết hiệu lực, thì Bộ Công thương vẫn còn một công cụ khác là thuế chống bán phá giá để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.