Quyết toán thuế doanh nghiệp tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

 
Vân Nguyễn Thứ Sáu | 28/12/2018 09:20

Năm 2018, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng gần 50%

Số liệu dẫn đến quan ngại về doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng ở mức cao sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp của Chính phủ.

Con số mới nhất về số doanh nghiệp ngừng hoạt động được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, loan báo hôm 27.12. Ông cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là gần 91.000 doanh nghiệp, tăng gần 50% so với năm trước.

Thêm nữa, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước, trong đó 14.880 doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hơn 10 tỉ đồng, chiếm 91,2% và tăng 34,2%.

Ông Lâm khẳng định, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020 của Chính phủ vẫn “có thể đạt được”, giữa những quan ngại về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể liên tục tăng, thậm chí tăng ở mức cao trong quý IV, có thể tác động tiêu cực đến  mục tiêu này.

Người đứng đầu Tổng cục Thống kê giải thích rằng, Chính phủ thực hiện việc rà soát lại tình trạng các doanh nghiệp dù tồn tại trên danh nghĩa nhưng đã ngừng hoạt động từ lâu là nguyên nhân dẫn đến việc  các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng với tỷ lệ lớn trong thời gian gần đây.

    Năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, xuất siêu trên 7 tỷ USD, CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

    Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5,54 triệu tỉ đồng, với GDP bình quân đầu người ước đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

Trên thực tế, nếu trừ đi số doanh nghiệp tồn tại trên danh nghĩa, số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2018 chỉ ở mức hơn 16%.

Trong khi đó, cả nước vẫn có hơn 131.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là gần 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

Cạnh đó, có hơn 34.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2018 lên gần 165.000 doanh nghiệp.

Nói thêm về số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, Vụ trưởng vụ Thống kê Công nghiệp của Tổng cục Thống kê, ông Phạm Đình Thúy, cho hay, con số doanh nghiệp tăng mới, giải thể, phá sản công bố cho quý IV và cả năm 2018 là số liệu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát lại trên cơ sở dữ liệu mới nhất.

Theo ông Thúy,  trong 3 năm 2016-2017 và 2018, Việt Nam có mức tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới trên 100.000, cho thấy trong điều kiện Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp có nhiều biến động.

Doanh nghiệp Việt Nam, với 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã rất linh hoạt trong vấn đề chuyển đổi ngành nghề. Do đó, khi hoạt động trong ngành nghề này không hiệu quả, doanh nghiệp sẽ phá sản, giải thể để chuyển sang ngành nghề khác.

Một điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2018 cho kết quả, có 44,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2018 tốt hơn quý trước; 38,4% doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; chỉ 16,9% số doanh nghiệp gặp khó khăn.

Liên quan đến dự báo tình hình quý I/2019 so với quý IV/2018, có 47,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định; chỉ 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Từ kết quả điều tra này, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tin rằng, các doanh nghiệp khá lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, với môi trường kinh doanh thuận lợi, tận dụng nhiều hơn các cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do.