Năm 2018, Dầu Tường An sẽ tăng lợi nhuận gấp rưỡi
Sáng nay, 16/4, Công ty cổ phần Dầu Tường An đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông. Trong Đại hội, TAC đã trình cổ đông thông qua các nội dung về báo cáo kinh doanh 2017, kế hoạch kinh doanh 2018 và chia cổ tức. Theo đó, năm 2017, TAC tiếp tục tập trung tái cấu trúc hệ thống, mô hình hoạt động, củng cố và mở rộng hệ thống kênh phân phối; Tái định vị thương hiệu “Dầu ăn Ngon số 1 Việt Nam” và xây dựng hình ảnh Tường An trẻ trung, năng động; TAC cũng đã tăng cường hợp tác, mở rộng quy mô sang các ngành hàng mới; Quy hoạch danh mục sản phẩm, xác định các thịt rường trọng điểm và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; Đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ công nhân viên...
Kết quả, sau hơn một năm về một nhà với Kido, TAC đã có những thay đổi trong kinh doanh, với doanh thu tăng 9%, đạt 4338 tỉ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 166 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm 2016. Đặc biệt, TAC đã điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức năm 2017 từ mức 16% lên 24%. Sang năm 2018, TAC tiếp tục theo đuổi kế hoạch tăng trưởng khi doanh thu dự kiến đạt 5100 tỉ đồng còn lợi nhuận trước thuế sẽ tăng hơn 50%, ước đạt 250 tỉ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch trên, TAC sẽ tiếp tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng kênh phân phối (mở thêm 50% điểm bán trong năm 2018) đi sâu tới từng vùng miền để có thể đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, đầu tư xây dựng thương hiệu “Dầu ăn ngon số 1 Việt Nam”.Trong năm 2018, TAC sẽ tiếp tục tập trung triển khai hoạt động liên kết với đối tác để mở rộng thị trường, hợp tác để phân phối đường tinh luyện, mì gói.. Đây sẽ là tiền đề để TAC mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng thiết yếu như nước sốt, nước chấm, gia vị...Chiến lược của TAC là chú trọng phân khúc cao cấp.
Về xuất khẩu, theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch của TAC, Trường An đã xuất khẩu sang Đông Nam Á và một số nước khác. Theo thống kê, 70% thị phần là các sản phẩm có thương hiệu đã được nắm giữ bởi 4 công ty đầu ngành với mức độ cạnh tranh giữa các công ty này rất khốc liệt. Hiện thị phần của TAC là 20% và được giữ ổn định từ khi gia nhập vào Tập đoàn KIDO.
Về ngành dầu ăn Việt Nam, dự báo giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ tiêu thụ dầu ăn dự báo ở mức tăng 8,7%. Mức tiêu thụ trung bình dầu ăn của người Việt Nam ở mức 11,3kg/năm/người, thấp hơn so với chuẩn của WHO (13,5kg/năm/người) và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành dầu ăn Việt Nam còn rất lớn.