Năm 2017: Sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân
→Số doanh nghiệp mới thành lập đạt kỷ lục mới
Sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân
Bảng xếp hạng VNR500 2017 ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân. Nếu như năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, khi đó doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng.
Về mặt doanh thu, khu vực kinh tế nhà nước vẫn là khu vực đem đến tổng doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế của toàn Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017. Tuy nhiên, đóng góp doanh thu của khối nhà nước trong năm nay đã xuống còn 52%, giảm đi so với con số 59% trong năm 2016, đồng thời đóng góp của khu vực tư nhân nâng lên từ 27% (2016) lên 32,3% trong năm 2017.
Xu hướng tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân và tăng tỉ trọng doanh thu của khối này trong Bảng xếp hạng VNR500 2017 đã phản ánh phần nào nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, và việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, của Chính phủ thời gian qua.
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 cũng tiếp tục khẳng định những ngành nghề trụ cột của toàn nền kinh tế. Cụ thể, các ngành như điện, khoáng sản-xăng dầu, tài chính, thực phẩm-đồ uống, viễn thông-tin học vẫn là top 5 ngành có tỷ trọng doanh thu đóng góp vào Bảng xếp hạng VNR500 lớn nhất. Trong giai đoạn 3 năm 2015-2017, ngành điện đã dẫn đầu với tổng doanh thu lớn nhất toàn bảng.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2017, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong Bảng xếp hạng VNR500 nhằm tổng hợp những đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017, những rào cản các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, khả năng tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp thời đại công nghệ số cùng triển vọng kinh doanh năm 2018.
Nguồn: Vietnam Report |
Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện
Năm 2017, bối cảnh chung của nền kinh tế, và tình hinh kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo phản hồi của các doanh nghiệp lớn, 75% doanh nghiệp đã tăng doanh thu trong năm nay, tăng khá nhiều so với năm 2016. Đồng thời, 62,5% doanh nghiệp phản hồi tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, chỉ có 4,7% doanh nghiệp đánh giá giảm đi. Trong đó, gần 70% doanh nghiệp báo cáo năng suất lao động tăng lên; các yếu tố như trang thiết bị (máy móc, nhà xưởng), tài sản cố định, khách hàng cũng được trên 60% doanh nghiệp nhận định tăng lên.
Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện giai đoạn 2015-2017 |
Các doanh nghiệp lớn cũng đã có những đánh giá rất tích cực về những cải thiện trong môi trường đầu tư kinh doanh năm 2017. Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam năm nay, trên 50% doanh nghiệp lựa chọn từ tốt cho đến rất tốt đối với các vấn đề thủ tục pháp lý, khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng. Điểm nổi bật trong năm nay nằm ở các chính sách tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, dẫn đến làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như đã được thể hiện qua việc cải thiện mạnh trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo Báo cáo Doing Business). Tuy nhiên, thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế vẫn là mối bận tâm của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này. Hơn 50% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính tại Việt Nam ở mức trung bình và gần 5% doanh nghiệp đánh giá mảng này ở mức kém.
Đánh giá của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh năm 2017 |
Dự báo năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp lớn cho rằng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, tình hình sản xuất kinh doanh tổng thể sẽ tăng lên hoặc ổn định so với năm 2017; 6,6% doanh nghiệp dự định sẽ cắt giảm chi phí đối với hoạt động kinh doanh tương lai.