"Năm 2016, Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh"
Sau 14 năm hình thành và phát triển, TTCK nước ta đã đạt được những thành tựu cơ bản.
Thứ nhất, đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện một hệ thống văn bản pháp quy từ khung pháp lý ban đầu, các chính sách đến các quy chế, quy trình cụ thể để vừa xây dựng vừa quản lý thị trường trong bối cảnh Nhà nước đang sửa đổi, hoàn chỉnh thể chế kinh tế, cơ chế quản lý nền kinh tế.
Thứ hai, TTCK ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Thông qua thị trường, Chính phủ đã huy động được gần 1 triệu nghìn tỷ đồng; các DN đã huy động được gần 700.000 tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần hoá, thoái vốn và phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Thứ ba, quy mô của TTCK ngày càng mở rộng, đến nay đã có 662 DN niêm yết trên 2 Sở GDCK và 147 DN đăng ký giao dịch trên UPCoM, tăng 140 lần so với năm 2000. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu chiếm 32% GDP; giá trị niêm yết trái phiếu chiếm gần 17% GDP.
Thứ tư, TTCK đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với số lượng gần 1,3 triệu tài khoản; trong đó số lượng nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước ngày càng tăng cao.
Thứ năm, tính công khai, minh bạch cũng như trình độ quản trị công ty của các công ty niêm yết, công ty đại chúng không ngừng được tăng cường, nâng cao và minh bạch hơn hẳn so với các loại hình DN khác.
Thứ sáu, hệ thống các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển nhanh, quy mô vốn, nghiệp vụ và công nghệ với mạng lưới tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thứ bảy, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký đã thực hiện chức năng giao dịch, lưu ký, thanh toán chuyển giao chứng khoán an toàn, từng bước phát triển mô hình theo thông lệ quốc tế.
Thứ tám, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm ngày càng được tăng cường, hoàn thiện.
Vậy về những điểm hạn chế thì sao, thưa ông?
Không thị trường nào không có điểm hạn chế, nhất là những thị trường còn non tuổi đời như TTCK Việt Nam.
Thực tế, TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung của Việt Nam có một số hạn chế đặc trưng của các quốc gia đang phát triển, đó là chưa gắn kết giữa các thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, thị trường cổ phiếu.
Bên cạnh đó, khung pháp lý, thể chế, chính sách dù đã từng bước hoàn thiện, nhưng phạm vi điều chỉnh chưa bao quát mọi hoạt động trên TTCK theo chuẩn mực quốc tế.
Chuẩn mực kế toán, kiểm toán, cơ chế tài chính, chất lượng kiểm toán và việc tuân thủ các quy tắc quản trị công ty tuy được tăng cường, nhưng vẫn còn có hạn chế.
Tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức còn thấp, trong khi số lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán với quy mô lớn, trình độ cao còn ít. Hệ thống tổ chức TTCK, cấu trúc TTCK còn chưa hoàn chỉnh, TTCK phái sinh chưa được thiết lập.
Dư luận nhận thấy việc tái cấu trúc TTCK đã và đang được UBCK tập trung triển khai quyết liệt. Thưa ông, việc tái cấu trúc đến nay đạt được những kết quả cụ thể nào?
Việc tái cấu trúc TTCK là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm của cả cơ quan quản lý và DN, trên cơ sở thượng tôn luật pháp.
Đến nay, công tác tái cấu trúc TTCK đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung tái cấu trúc đã bảo đảm đúng lộ trình và yêu cầu đặt ra.
Theo đó, về cơ sở hàng hóa, tiêu chuẩn niêm yết, phát hành đã được nâng cao; quản trị công ty, minh bạch, công bố thông tin được tăng cường tiếp cận theo thông lệ quốc tế; hàng hóa đa dạng hơn với nhiều loại chứng chỉ quỹ đầu tư và thị trường trái phiếu phát triển mạnh.
UBCK cũng đã trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTCK phái sinh.
Về cơ sở nhà đầu tư: cơ sở pháp lý cho nhiều loại hình quỹ đầu tư như công ty đầu tư chứng khoán, quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ ETF đã được hình thành. Hiện có 13 quỹ mở, 1 quỹ ETF đi vào hoạt động.
Các tổ chức kinh doanh chứng khoán được tái cấu trúc theo hướng thu hẹp số lượng và nâng cao chất lượng; số lượng công ty QLQ giảm từ 47 xuống 41 công ty; CTCK từ 105 xuống 89 công ty; thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL. Việc giám sát trên cơ sở rủi ro cũng được tăng cường; đa số các CTCK đã thực hiện tách bạch tài khoản khách hàng.
Để đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc TTCK, các giải pháp của UBCK trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Để tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc TTCK, UBCK sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, triển khai Đề án phát triển TTCK phái sinh, theo đó sẽ xây dựng dự thảo Nghị định và thông tư hướng dẫn về TTCK phái sinh, đồng thời cũng sẽ chuẩn bị hạ tầng công nghệ.
Thứ hai, hoàn thiện quy định, cơ chế giao dịch trên hệ thống thị trường UPCoM nhằm gắn đấu giá IPO với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung; gắn đăng ký bán đấu giá cổ phần và đăng ký niêm yết/giao dịch song song; gắn hủy niêm yết với đăng ký giao dịch.
Thứ ba, triển khai các giải pháp để thu hút dòng vốn nước ngoài, theo đó sẽ triển khai giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm cận biên lên nhóm các TTCK đang phát triển trên bảng MSCI.
Cùng với đó, UBCK sẽ hoàn thiện cơ chế cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà ĐTNN; tổ chức xúc tiến đầu tư tại các thị trường tài chính lớn để thu hút vốn phục vụ công tác tái cấu trúc và cổ phần hóa DNNN.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thắt chặt hoạt động và đẩy nhanh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Như ông vừa nói, một trong những điểm nhấn của TTCK giai đoạn tới là xây dựng TTCK phái sinh tại Việt Nam. Vậy bao giờ thị trường này sẽ ra đời, thưa ông?
Chứng khoán phái sinh là công cụ rất quan trọng giúp cho nhà đầu tư thực hiện phòng ngừa rủi ro, sự phát triển của TTCK phái sinh sẽ có tác dụng hỗ trợ ngược lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên, đây là loại thị trường phức tạp, nên cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía nhà đầu tư, thành viên thị trường cũng như cơ quan quản lý theo nguyên tắc dần dần từng bước, phát triển từ thấp đến cao, với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống được đặt lên hàng đầu.
Thời gian qua, UBCK đã trình Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 336/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 phê duyệt Đề án TTCK phái sinh. Theo lộ trình, đến năm 2016 sẽ đưa vào vận hành giao dịch chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK phái sinh, cho đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh gửi lấy ý kiến các bộ ngành, quá trình dự thảo Nghị định được gắn liền với dự thảo thông tư hướng dẫn để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp lý.
Sau khi hoàn thiện dự thảo trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, thành viên thị trường, UBCK sẽ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2014.
Đồng thời, với việc chuẩn bị về pháp lý, UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký cũng đang chuẩn bị các vấn đề về hệ thống, cơ sở hạ tầng..., trong đó công tác đào tạo, tuyên truyền phải đi trước một bước.
Kế hoạch hợp nhất 2 Sở GDCK để thành lập Sở GDCK Việt Nam là nội dung được nhiều thành viên thị trường quan tâm. Xin ông chia sẻ thêm về bước đi trong kế hoạch này?
Xu hướng chung các nước trên thế giới đều theo hướng hợp nhất, sáp nhập các Sở GDCK, Sở giao dịch hàng hóa và TTCK phái sinh vào một hệ thống thị trường thống nhất, nhằm tăng tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Việc hợp nhất 2 Sở GDCK là một nội dung quan trọng trong Đề án tái cấu trúc TTCK. Trong thời gian qua, UBCK đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, từ đó đã xây dựng Đề án hợp nhất 2 Sở GDCK và lấy ý kiến các bộ ngành; trên cơ sở đó đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai Đề án sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên nguyên tắc thống nhất về chức năng như bộ máy quản lý và quản trị hoạt động, trong đó, chú trọng các nội dung công nghệ thông tin, tiêu chí niêm yết, thành viên giao dịch và công bố thông tin, phát huy những lợi thế hiện có, bảo đảm tính kế thừa và sự hoạt động liên tục của thị trường, tăng cường tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh của TTCK Việt Nam.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán