Thứ Sáu | 19/09/2014 19:39

Năm 2015: Huy động 63.000 tỷ đồng xây dựng công trình giao thông

Hiện nay Bộ GTVT đang quản lý 63 dự án BOT, BT với tổng mức đầu tư khoảng gần 152.000 tỷ đồng.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho đất nước luôn đòi hỏi sự đột phá. Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách ngày càng ít đi, nên các dự án giao thông trong thời gian tới sẽ chủ yếu huy động vốn từ ngân hàng.

Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong buổi làm việc với các ngân hàng về việc cung cấp vốn cho các dự án giao thông trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công-tư (PPP) cho biết, hiện nay Bộ GTVT đang quản lý 63 dự án BOT, BT với tổng mức đầu tư khoảng gần 152.000 tỷ đồng.

Đối với 43 dự án BOT đang triển khai, vốn đã huy động từ các ngân hàng đến nay được khoảng 66.500 tỷ đồng và sẽ tiếp tục huy động từ ngân hàng thêm khoảng 7.800 tỷ đồng nữa từ nay đến cuối năm 2014.

Dự kiến trong năm 2015, ngành GTVT sẽ huy động từ các ngân hàng khoảng 63.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Tuy nhiên, ông Huy cũng cho biết, thời hạn vay trong hợp đồng tín dụng chủ yếu là ngắn hạn và trung hạn, vì vậy các dự án BOT hiện nay chỉ có thể tính toán thời gian hoàn vốn dưới 25 năm. Nếu kéo dài trên 25 năm thì các nhà đầu tư khó có thể thu xếp vốn vay.

Trên thực tế, theo hợp đồng tín dụng của các dự án hiện nay, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay với thời hạn dưới 20 năm, cá biệt một vài dự án 22 năm.

Bên cạnh đó, theo qui định, một tổ chức tín dụng không được cho khách hàng hoặc nhóm khách hàng vay vượt quá 15% vốn tự có. Trong khi các dự án đầu tư hạ tầng GTVT có tổng mức đầu tư lớn, mà nguồn vốn tự có của ngân hàng trong nước nhỏ. Vì thế, qui định này đã hạn chế các tổ chức tín dụng khi quyết định cho vay, mặc dù các dự án đầu tư hạ tầng giao thông ít rủi ro.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thời gian qua BIDV đã hỗ trợ việc vay vốn đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt các dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.

Đại diện BIDV cũng chia sẻ, hiện nay phần lớn người dân chỉ gửi tiền 12 tháng. Các nguồn vốn cho vay dài phải khống chế. Cho vay không quá vốn của ngân hàng trong khoảng 20 năm, nếu kéo dài sẽ khó khăn cho Ngân hàng.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư đang gặp phải, đại diện BIDV cho biết sẽ xem xét, cân nhắc. Đồng thời, ngân hàng này cũng đề nghị Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giải phóng mặt bằng và cần thay thế ngay những đơn vị làm việc yếu kém, chậm tiến độ.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng hiện nay mặc dù được Ngân hàng Nhà nước rất ủng hộ, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn, vì vậy để tiếp tục có vốn đầu tư hạ tầng giao thông cần phải tháo gỡ và tăng cường hợp tác giữa các ngân hàng với các chủ đầu tư.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị các DN khẩn trương tăng vốn chủ sở hữu, tăng năng lực quản trị DN; đối với các DN của Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN, sẽ không còn DN của nhà nước, các DN phải tự chủ, tự quyết định sản xuất kinh doanh.

"Phải khẩn trương công khai minh bạch các dự án, các DN đầu tư BOT để nhân dân và báo chí giám sát. Các dự án BOT không được chậm tiến độ, nếu chậm phải thay nhà đầu tư, nên phía ngân hàng hoàn toàn yên tâm. Thậm chí, nếu chậm có thể thay cả Thứ trưởng phụ trách và Bộ trưởng", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện