Thứ Sáu | 31/01/2014 10:10

Năm 2014: Vàng – tỷ giá có trở thành “cặp đôi hoàn hảo”?

Năm 2014, làm thế nào để “cặp đôi” này trở nên “hoàn hảo”, giúp gia tăng lòng tin vào vị thế của VND và ổn định kinh tế vĩ mô?

Chính sách tỷ giá, vàng được coi là một trong những thành công nổi bật trong điều hành CSTT của NHNN và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2013. Sang năm 2014, làm thế nào để “cặp đôi” này trở nên “hoàn hảo”, giúp gia tăng lòng tin của người dân vào vị thế của VND, cũng như góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là những câu hỏi lớn. Để bạn đọc có cái nhìn đa chiều, TBNH ghi lại những gợi mở chính sách của các chuyên gia kinh tế đưa ra.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng:

Việc điều chỉnh tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu cũng là điều rất quan trọng

Năm 2013, NHNN đã đạt được thành công nhất định trong điều hành tỷ giá cũng như đối với thị trường vàng. Về tỷ giá, rõ ràng, với sự kiên trì trong điều hành chính sách của NHNN, giá USD có sự ổn định nhất định. Những đợt sóng trên thị trường đều được “hóa giải”. Thị trường vàng cũng được NHNN sắp xếp lại trật tự khá tốt. Việc NHNN tổ chức đấu thầu một lượng vàng rất lớn đưa vào thị trường, có thể được coi là một thành công lớn của NHNN. Nó không những giúp lập lại trật tự mà còn ngăn chặn các hoạt động đầu cơ nhiễu loạn thị trường trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, còn một vấn đề về thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Có thể trong năm 2013, đây chưa phải vấn đề được cơ quan này đặt lên hàng đầu. Nhưng theo tôi, sang năm 2014, việc này cần phải tính đến, bởi nếu NHNN muốn thiết lập một sự ổn định bền vững trên thị trường vàng thì chắc chắn phải bình ổn được giá.

Sang năm 2014, tôi cho rằng tỷ giá tiếp tục ổn định, song vẫn còn nhiều áp lực. Đó là, chênh lệch về lạm phát giữa USD và VND. Trong khi USD lạm phát dưới 2%, còn lạm phát VND có thể lên tới mức 7%. Rõ ràng độ vênh giữa lạm phát hai nền kinh tế như vậy sẽ tạo sức ép lớn lên điều chỉnh tỷ giá đề bù trừ chênh lệch giá trị thực giữa hai đồng tiền. Kinh tế năm 2014 cũng được dự báo là sẽ khả quan hơn, nên việc điều chỉnh tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu cũng là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là điều cơ quan quản lý cân nhắc cân bằng giữa hỗ trợ xuất khẩu và giữ sự ổn định vĩ mô.


TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia ngân hàng:

Phát hành chứng chỉ vàng là một giải pháp huy động vàng khá phù hợp

Tôi nghĩ rằng, năm 2013 điều hành tỷ giá, vàng đã đạt được một số kết quả nhất định. Đó là ổn định trật tự trên cả thị trường ngoại tệ và vàng. Quan trọng hơn cả là đã giảm được tình trạng vàng hóa, đô la hóa trong nền kinh tế. Dẫu vậy, chúng ta không nên ngủ quên trên chiến thắng. Vì, chặng đường trong năm 2014 vẫn còn những thách thức nhất định. Năm 2013, một trong những nguyên nhân chính giúp cung cầu ngoại tệ khá tốt là do nhập siêu của Việt Nam rất thấp, thậm chí là xuất siêu. Nhưng giả sử năm 2014, kinh tế phục hồi ở mức độ mạnh mẽ, cầu ở trong nước cải thiện mạnh hơn thì khả năng nhập siêu quay trở lại có thể xảy ra.

Câu chuyện liên quan đến vàng vẫn còn gian nan đối với cơ quan quản lý, khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa thể thu hẹp. Một khi NHNN vẫn còn phải trực tiếp tham gia vào quá trình đấu thầu vàng, thì tức là NHNN đã phải tham gia điều hành vi mô đối với thị trường…

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc huy động vàng trong dân cũng nên được NHNN tính toán cân nhắc để đưa nguồn lực này vào phát triển nền kinh tế. Tôi cho rằng, phát hành chứng chỉ vàng là một giải pháp huy động vàng khá phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Vừa hợp thức hóa được việc huy động vàng trong dân, lại vừa tận dụng tốt mạng lưới rộng lớn của hệ thống NHTM, từ đó tạo tính thanh khoản tốt hơn khi cho phép khách hàng được mua bán chuyển nhượng. Tôi ủng hộ phương án này nhiều hơn là việc NHNN tiếp tục đấu thầu.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia ngân hàng:

NHNN nên tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành như năm 2013

Ngay từ đầu năm 2013, NHNN đã thông điệp đến thị trường về việc sẽ kiên quyết thực hiện các giải pháp điều hành chính sách vàng, tỷ giá, đẩy nhanh lộ trình chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Và kết quả đạt được là tỷ giá ổn định, thấp hơn cả cam kết. Dù trong năm, có lúc, một vài xáo trộn “gợn sóng” nhưng chỉ cần thông điệp chính sách của NHNN đưa ra là thị trường lập tức yên ổn trở lại. Sức hấp dẫn của vàng cũng giảm đáng kể trong năm 2013. Việc liên tục “bơm” vàng qua các phiên đấu thầu của NHNN đã giúp thị trường không rơi vào trạng thái đoản cung, mặt khác, cũng ngăn chặn được các hoạt động đầu cơ.

Năm 2014, với dự báo cán cân thanh toán quốc tế có thể tiếp tục thặng dư, quy mô dự trữ ngoại hối tăng, nhất là niềm tin vào công tác điều hành của NHNN cải thiện rõ nét, dự báo điều hành tỷ giá trong năm 2014 vẫn sẽ thực hiện theo cam kết.

Theo quan điểm của tôi, NHNN nên tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành đối với thị trường vàng như năm 2013. Thời điểm này chưa thích hợp bàn đến việc huy động vàng mà cần duy trì sự ổn định bền vững hơn đối với thị trường này. Còn trong tương lai, khi bàn đến câu chuyện huy động vàng trong dân cần làm rõ động cơ, sức hấp dẫn của vàng ở đâu. Và chúng ta phải làm sao để tăng sức hấp dẫn cho kênh đầu tư này thì mới có thể huy động vàng trong dân thành công.

Tôi lấy ví dụ, với giải pháp phát hành chứng chỉ vàng, có thể người dân sẽ cân nhắc lựa chọn. Vì khi đó, họ sẽ không còn phải lo giữ vàng trong nhà gây nguy hiểm, nhưng để tác động mạnh hơn đến quyết định của họ thì cần phải tăng hấp dẫn, đảm bảo khả năng sinh lời tức là gửi chứng chỉ vàng có lãi suất.

Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam:

Cần sớm thành lập Trung tâm giao dịch vàng quốc gia

Trước hết phải thấy mục tiêu NHNN đưa ra quản lý thị trường vàng theo hướng thu hẹp từ mạng lưới hoạt động đến xử lý những vấn đề tồn tại dư nợ vàng, huy động vốn vàng… đã hạn chế phát sinh tiêu cực trên thị trường trong năm 2013. Đồng thời tác động tích cực đến tỷ giá, không còn hiện tượng nhảy múa theo giá vàng những năm trước đây.

Song, khi thị trường vàng miếng đi vào ổn định, tôi cho rằng, trong thời gian tới, NHNN nên quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sản xuất và kinh doanh vàng nữ trang. Làm sao để ngành này được phát triển đúng mức, không bị mai một, nhất là ngành kim hoàn, tránh gây lãng phí. Bởi đây không chỉ là ngành truyền thống mà còn là ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế và các nước châu Á khác khi họ đang tập trung phát triển mạnh. Do đó, trong năm 2014, tôi kiến nghị NHNN xem xét cho các DN kinh doanh vàng trang sức được vay vốn mở rộng đầu tư sản xuất.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là có nên tiếp tục đấu thầu vàng trong năm 2014. Theo quan điểm của tôi, nếu NHNN đánh giá cầu thị trường vẫn có thì nên tiếp tục đấu thầu bán vàng. Song song với đó, NHNN cần tính đến phương án mua vàng miếng qua đấu thầu để tiếp tục điều tiết thị trường. Và để điều tiết được thì NHNN cần phải luôn sẵn sàng có các phương án ứng phó với thị trường. Ví dụ, tại một thời điểm nào đó, giá vàng xuống thấp, NHNN nên tổ chức mua vàng miếng, khi có biến động, ngay lập tức NHNN lại đấu thầu bán vàng ra bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là các giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, tôi cho rằng, cần phải sớm thành lập trung tâm giao dịch vàng quốc gia. NHNN là chủ trì quản lý và các DN kinh doanh vàng lớn, NHTM là thành viên trung tâm. Khi trung tâm này đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế. Vì kinh tế Việt Nam đang hướng tới kinh tế thị trường định hướng XHCN nên mô hình này khá là phù hợp với chủ trương trên.

Nhóm PV chuyên đề

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện