Thứ Tư | 12/02/2014 13:28

Năm 2014: Ngành xi măng đẩy mạnh xuất khẩu

Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành ximăng đã nỗ lực vượt khó và cán đích thành công.
Trong năm nay, ngành này sẽ đưa vào hoạt động thêm 5 dây chuyền sản xuất, trong khi nguồn cung hiện đã dư thừa, chắc chắn cuộc cạnh tranh ximăng sẽ còn căng thẳng hơn.Cạnh tranh quyết liệt

Theo Bộ Xây dựng, hiện tổng công suất của các nhà máy ximăng đang hoạt động trên cả nước đạt trên 70 triệu tấn với tổng sản lượng tiêu thụ năm 2013 khoảng 61 triệu tấn, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2012. Trong đó, tiêu thụ ximăng nội địa khoảng 47 triệu tấn (tăng 1,5 triệu tấn); xuất khẩu trên 14 triệu tấn (tăng khoảng 6 triệu tấn so 2012). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn do nguồn cung hiện đã vượt cầu khoảng 10 triệu tấn.

Ngoài ra, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu "phá băng" và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, các DN vẫn khó tiếp cận được các nguồn vốn vay. Cùng với đó, giá các loại nguyên nhiên vật liệu đầu vào để phục vụ SXKD như: Điện tăng 5%, than tăng từ 37- 41%... đã ảnh hưởng lớn đến SXKD của ngành ximăng. Tuy khó khăn nhưng Vicem vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra với sản lượng sản xuất clanhke và ximăng đều tăng 8,8%, tiêu thụ sản phẩm đạt hơn 24 triệu tấn (tăng 7,4%, riêng ximăng tăng 9,3%).

TGĐ TCty Ximăng VN (Vicem) Trần Việt Thắng cho biết: Hiện các nhà máy ximăng đều có nguồn vốn vay nước ngoài lớn để đầu tư các dây chuyền SX ximăng và vẫn đang trong quá trình trả nợ do vậy nhiều đơn vị đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ chênh lệch tỉ giá cuối kỳ (năm 2013, chênh lệch tỉ giá cuối kỳ lên tới 715 tỉ đồng). Nhiều đơn vị như Vicem Bỉm Sơn lãi khoảng 90 tỉ đồng, nhưng tính chênh lệch tỉ giá thì lỗ. Đồng thời, còn trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn 304 tỉ đồng, đã tác động, làm giảm lợi nhuận của toàn TCty.

Đại diện Vicem Hoàng Thạch - ông Đào Ngọc Bình - cũng cho biết: Hiện khu vực miền Bắc có nhiều nhà máy ximăng có công suất lớn, có lợi thế về giá bán, xu thế sử dụng ximăng giá thấp do khó khăn về kinh tế tất yếu dẫn đến cạnh tranh quyết liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến SXKD của Cty. Thị trường nội địa khó khăn, buộc các DN phải chuyển hướng tìm thị trường XK và năm 2013 đã đánh dấu sự thành công ấn tượng với trên 14 triệu tấn ximăng mang thương hiệu Vicem được xuất ra nước ngoài. Tuy hiệu quả chưa cao do các DN chưa phối hợp cùng XK, sản phẩm ximăng chiếm tỉ trọng nhỏ, chủ yếu là clanhke, nhưng XK đã giúp ngành ximăng giảm áp lực tiêu thụ nội địa và có nguồn ngoại tệ để trả nợ.

Cần có giải pháp đồng bộ

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế năm 2014, lượng cung ximăng tiếp tục tăng. Chính phủ cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Cầu đường, sân bay, bến cảng và các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... Nhưng vẫn phải đẩy mạnh việc XK ximăng vì nó mang lại nguồn ngoại tệ trực tiếp. Do vậy, các DN cần ngồi lại, cùng nhau hợp tác, tìm kiếm những phương án XK hiệu quả nhất. Đặc biệt tránh được hiện tượng "mạnh ai người ấy được", phá vỡ thương hiệu và thị trường, ảnh hưởng đến uy tín của ximăng VN và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân để đối tác lợi dụng ép giá, giảm hiệu quả xuất khẩu.

Theo ông Lương Quang Khải - Chủ tịch HĐTV Vicem - cho biết, hiện TCty đang tiếp tục tăng cường các giải pháp để vượt khó khăn. Như chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát, tiết giảm, khoán định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, điện năng, kiểm soát chặt chẽ giao nhận và sử dụng hiệu quả nguồn than đầu vào nhằm tăng hiệu suất cho lò nung. Cải thiện cơ cấu sản phẩm như đa dạng chủng loại, chuyển từ chiết khấu, giảm giá sang chế độ chăm sóc khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh SX các sản phẩm đặc thù và có thế mạnh phù hợp nhu cầu và xu hướng sử dụng của thị trường. Nhằm tăng khả năng chạy lò dài ngày, TCty đang nghiên cứu, phối hợp TCty Lắp máy VN (Lilama) xây dựng kế hoạch tổng thể duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các dây chuyền sản xuất ximăng nhằm tối ưu hóa hệ thống thiết bị và nâng cao hiệu quả SXKD.

Năm 2014, dự báo cạnh tranh của ngành ximăng sẽ gay gắt và có phần khốc liệt hơn so với năm 2013. Dự kiến có thêm 5 dây chuyền với hơn 7 triệu tấn công suất sẽ đưa vào vận hành trong nửa cuối năm 2014, đẩy nguồn cung lên cao. Trước áp lực cạnh tranh, nhiều đơn vị ximăng đã chủ động tính toán, giảm bớt kế hoạch, xây dựng các giải pháp chủ động, phù hợp với tình hình.

Nguồn NDH


Sự kiện