Thứ Hai | 13/01/2014 08:51

Năm 2014: Giá dầu thế giới tăng hay giảm?

Không ít ý kiến lo ngại dầu thô sẽ quay trở lại "đỉnh" 147 USD/thùng như hồi tháng 7-2008.
Cách đây 2 tháng, khi giá dầu thô vẫn còn ở mức 109 USD/thùng và xu hướng tăng rất mạnh bởi các "vựa dầu" Trung Đông như Syria, Iran, Ai Cập vẫn chưa tìm thấy sự ổn định, không ít ý kiến lo ngại dầu thô sẽ quay trở lại "đỉnh" 147 USD/thùng như hồi tháng 7-2008. Và lúc đó ít ai nghĩ rằng "vàng đen" lại có thể nhanh chóng đảo chiều như đang xảy ra trong những ngày gần đây.

Chỉ trong 9 ngày đầu năm 2014, giá dầu thô ngọt nhẹ trên sàn giao dịch New York đã giảm từ 98,42 USD/thùng xuống còn 92,33 USD/thùng. Dù phiên tăng điểm đã quay trở lại trong ngày thứ 10, khi giá trị giao dịch đạt ở mức 93,07 USD/thùng đối với đơn hàng tháng 2, song nhiều chuyên gia cho rằng giảm điểm sẽ là xu thế chủ đạo đối với dầu mỏ trong năm 2014.

Giá dầu được dự báo là sẽ giảm trong năm 2014.
Giá dầu được dự báo là sẽ giảm trong năm 2014.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến giá dầu suy yếu là do các dự đoán về khả năng cung ứng dầu từ Libya (một khi được chính thức nối lại) sẽ sớm làm "tràn" những kho dự trữ thế giới trong năm 2014. Hiện tại, có nhiều đồn đoán rằng, sản lượng dầu mỏ từ Libya sẽ tăng từ 250.000 thùng/ngày lên 546.000 thùng/ngày. Bên cạnh đó, tình hình hòa hoãn tại Trung Đông cũng đang có những tác động nhất định với giao dịch dầu thô trên các sàn hàng hóa năng lượng quốc tế. Ngoài ra, việc giá dầu giảm cũng liên quan tới bản báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, các kho dự trữ dầu thô ở Mỹ hiện đã tiệm cận mức giới hạn trên ngưỡng trung bình thời điểm này trong năm, ở mức 367,6 triệu thùng. Như vậy, lượng cung được dự báo tăng lên sẽ gây thêm sức ép đối với giá dầu thô. Thậm chí, Công ty Tài chính Raymond James đã công bố một báo cáo dự đoán giá dầu sẽ giảm từ mức 109 USD/thùng (năm 2013) xuống 95 USD/thùng (năm 2014) và 90 USD/thùng (năm 2015). Một số nhà phân tích còn dự đoán giá dầu thậm chí còn giảm tiếp do hoạt động khai thác khí đá phiến bùng nổ ở Mỹ và sự phát triển nhanh chóng của ngành dầu cát ở Canada.

Một nguyên nhân quan trọng khác quyết định xu hướng giảm giá của "vàng đen" là quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự ổn định. Dù đã có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã được vực dậy trong giai đoạn từ 2013 chuyển sang 2014, nhưng không đồng đều, nhất là trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Hầu hết các quốc gia lớn như Đức, Anh, Pháp đều lấy lại nhịp độ tăng trưởng, nhưng vẫn còn rất mong manh, trong khi nợ tiếp tục tăng cao một cách đáng lo ngại. Còn thách thức chủ yếu với các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ là buộc phải tìm ra mô hình phát triển mới. Điều này cũng được đề cập trong báo cáo "Tình hình và viễn cảnh kinh tế thế giới" năm 2014 của Liên hợp quốc. Theo đó, nhịp độ phát triển kinh tế thế giới sẽ tăng trong năm 2014 và 2015, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chưa cao hay các nước phát triển và đang phát triển chưa thể quay trở lại đỉnh của thời kỳ trước khủng hoảng. Trong khi đó thất nghiệp vẫn là một thách thức lớn mà các nhà lãnh đạo thế giới phải tiếp tục tìm biện pháp giải quyết. Ngoài ra, về vĩ mô, nhiều nhà lãnh đạo chính trị của nhiều quốc gia đang phát triển hiện đang phải đối mặt với những thách thức buộc phải tiến hành tái cấu trúc toàn bộ hệ thống kinh tế.

Từ trước tới nay, giá dầu mỏ vẫn thường tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với đà phục hồi của nhiều khu vực còn mong manh như hiện nay thì dự đoán giá “vàng đen” sẽ đi xuống là hoàn toàn có cơ sở. Đây là điều cả các nền kinh tế phát triển lẫn các quốc gia đang phát triển không mong đợi trong những tháng tới. Trong trường hợp giá "vàng đen" có tăng trong năm 2014 đi chăng nữa thì cũng khó có thể quay lại thời kỳ "vàng son" như hơn 5 năm trước.

Nguồn Hà Nội mới


Sự kiện