Thứ Sáu | 07/12/2012 15:56

Năm 2013, TPHCM dự kiến cần khoảng 270.000 lao động

Kết quả giải quyết việc làm thành phố tính đến 11 tháng là gần 290.000 người, vượt so với chỉ tiêu 265.000 người đề ra trước đó.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động của thành phố trong năm 2013 tiếp tục tồn tại nghịch lý. Đó là tình trạng nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được lao động phù hợp.

Ông Tuấn cho biết, theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, kết quả giải quyết việc làm thành phố tính đến 11 tháng là gần 290.000 người, như vậy năm 2012 thành phố đạt kế hoạch giải quyết việc làm cho 265.000 người theo chỉ tiêu đề ra.

Năm 2013, thành phố dự kiến tăng trưởng GDP ở mức từ 9,5 - 10%. Căn cứ chỉ tiêu này cùng với chương trình việc làm thành phố năm 2013 cũng như tổng hợp thông tin về nhu cầu nhân lực, dự kiến thành phố có 270.000 chỗ làm việc trống, trong đó 140.000 chỗ làm việc mới. Trong tổng số này, các khu công nghiệp và khu chế xuất thành phố cần 30.000 người.

Theo ông Tuấn, dự đoán quý I/2013, xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông tăng nhưng không nhiều. Trong quý I thành phố có khoảng 65.000 chỗ làm việc trống với khoảng 43% lao động phổ thông.

Sang quý II và III, dự báo thị trường lao động ổn định hơn, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng. Dự kiến hai quý này cần khoảng 140.000 chỗ làm việc. Đến quý IV thành phố sẽ cần khoảng 65.000 chỗ làm việc, trong đó 30% lao động bán thời gian.

Đặc điểm của thị trường lao động năm 2013 là cùng với nhu cầu phát triển việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thì những loại hình công việc bán thời gian, làm việc tại nhà (qua mạng thông tin điện tử và tự tạo việc làm với mô hình cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ) sẽ tăng nhanh.

Trong năm tới, tỷ lệ thất nghiệp của thành phố cao (trung bình 5%) do vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực và việc làm.

Nguồn Khampha/FALMI


Sự kiện