Thứ Sáu | 23/11/2012 23:08

"Năm 2013 lãi suất cho vay nên ở mức 11-12%/năm"

Đó là ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia bên lề Quốc hội.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình lạm phát năm nay, liệu đây có phải là thành công của chúng ta không?

Theo tôi, lạm phát tháng này chỉ còn từ 0,1 đến 0,2%/tháng và trong thời gian tới nếu lạm phát có tăng thì cũng chỉ vì lý do khách quan bên ngoài chứ không thể do chủ quan. Sang năm nếu lạm phát tăng thì chủ yếu là do yếu tố về chi phí xăng dầu thế giới, về giá lương thực. Nhưng nếu giá lương thực tăng thì phải vui vì đó là sự chia sẻ với nông dân.

Năm nay chúng ta thành công là đã chặn được đà tăng của lạm phát, đó là thành công của Chính phủ, tuy nhiên đau đớn hơn là giá lương thực thực phẩm của nông dân lại đứng và xuống.

Lạm phát như vậy nhưng nếu tiếp tục giảm lãi xuất liệu có đảm bảo thực dương để thu hút tiền đồng vào không, thưa ông?

Hiện nay suy nghĩ về lãi suất thực dương thì các nước thường so sánh với lạm phát cơ bản và khi thực hiện một chính sách tiền tệ thì phải hướng vào 3 mục tiêu chứ không phải chỉ là chống lạm phát.

Vấn đề hiện nay là phải hướng đến mục tiêu là an sinh xã hội, tăng trưởng giải quyết công ăn việc làm, ổn định tiền tệ, ổn định tỷ giá. Trong giai đoạn hiện nay đã đến lúc Bộ Tài chính và Bộ Công thương có trách nhiệm chính trong kiềm chế lạm phát, còn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước lên hướng về chống suy giảm.

Năm tới nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là chống suy giảm kinh tế và tăng cung tín dụng cho khu vực dân doanh. Tôi cảnh báo nếu khu vực này không tiếp cận được vốn thì nền kinh tế của chúng ta sẽ là một nền kinh tế lệ thuộc, đây là một vấn đề nguy kịch và nghiêm trọng trong kỳ họp, vừa qua tôi cũng định chất vấn Thủ tướng.

Trong đợt giảm lãi suất sắp tới nếu có thì nên giảm với mức độ như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ có thời kỳ chúng ta duy trì lãi suất ở mức huy động vốn chỉ 7%-8% và cho vay 10%-11%/năm trong một thời kỳ dài, cho nên hướng tới trong năm 2013 chỉ nên duy trì ở mức trên.

Việc kích cầu nếu tiếp tục hạ lãi suất thì liệu có khơi thông được dòng tín dụng?

Khi hạ lãi suất người ta sẽ có nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn đó là kích cầu và việc giải quyết bài toán tăng lương, miễn giảm thuế nhưng quan trọng hơn là sắp tới sẽ triển khai những gói hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tâng nhất là làm đường quôcs lộ 1A, quốc lộ 14 sẽ tạo điều kiện kích cầu trong xây dựng.

Một vấn đề kích cầu nữa là tích cực kiểm tra những dự án quy hoạch treo để thu hồi và xóa bỏ những dự án không cần thiết. Khi đó, người dân tập trung vào sửa chữa, xây dựng nhà thì chúng ta sẽ giải quyết được hàng tồn kho trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, khi các dự án bị thu lại thì nhu cầu đầu tư xây dựng bệnh viện, ký túc xá cho sinh viên sẽ được triển khai tốt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề bị ách tắc hiện nay chính là "cục máu đông" nợ xấu, việc này đã được bàn thảo nhiều nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả. Theo ông, mấu chốt của vấn đề này nằm ở đâu?Và để giải quyết được nợ xấu thì phải cần những biện pháp gì?

Nợ xấu có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân do lỗi của người cho vay, của người đi vay, kinh doanh đa ngành, phần lớn tập trung vào bất động sản.

Năm 2008 nền kinh tế đã suy sụp, nhưng chúng ta cố gắng giữ bằng cách năm 2009 đưa ra gói kích cầu, nhà đầu tư tưởng có luồng gió mới nên tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Cuối cùng thì "bong bóng" bất động sản xẹp và nợ xấu lại xấu thêm.

Cần phải nhìn nhận rằng, nợ xấu cần phải được giải quyết thì nền kinh tế mới phát triển trở lại, vì nền kinh tế của ta còn nhiều tiềm năng và rất phong phú. Tôi xin nhấn mạnh nợ xấu được giải quyết thì mạch máu trên cơ thể kinh tế mới lưu thông tốt.

Chỉ khi minh bạch thì mới góp phần tái cấu trúc ngân hàng thành công. Vì khi đó, chúng ta biết ngân hàng nào cần hợp nhất, sáp nhập, quốc hữu hóa. Doanh nghiệp cũng vậy, sẽ biết doanh nghiệp nào làm ăn tốt, doanh nghiệp nào cần giải thể, phá sản.

Theo tôi, nên hình thành Ủy ban giải quyết nợ xấu, trong đó có đại điện của Ngân hàng Nhà nước vì vấn đề này liên quan đến ngân hàng, đến tiền; có đại diện của Bộ Tài chính vì có liên quan đến các dư nợ của các tập đoàn kinh tế; có sự có mặt của Bộ Xây dựng vì liên quan tới đất đai; có đại điện của Bộ Công an vì có những dự án liên quan tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chúng ta sử dụng tiền của dân để xử lý nợ xấu thì phải có Ban kiểm soát, đó là đại diện của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách giám sát độc lập, trong Ủy ban giải quyết nợ xấu này lại hình thành Công ty mua bán nợ.

Sau đó, chúng ta phải đo lường được nợ xấu “để xem kích cỡ thế nào, thể tích bao nhiêu, trọng lượng bao nhiêu và ràng buộc nhau thế nào”. Tiếp theo là thẩm định lại tài sản thế chấp, cầm cố. Việc thẩm định đó, thông qua việc bán đấu giá tài sản hoặc sau thẩm định mà không ai mua do nền kinh tế thiếu thanh khoản thì công ty mua bán nợ sẽ ứng vốn mua lại tài sản đó để tách hẳn nợ xấu ra khỏi ngân hàng.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện