Thứ Ba | 19/03/2013 15:09

“Năm 2013 có nhiều cơ hội lướt sóng”

Trong khoảng 3 năm gần đây, thị trường chứng khoán luôn đón đợt sóng tăng lớn vào đầu năm. Năm 2013 cũng không phải là ngoại lệ. Trong đợt tăng vừa rồi, không ít nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận đáng kể, cá biệt có người lời đến 100%. Nhưng không vì vậy mà thị trường chứng khoán kém hấp dẫn từ nay đến cuối năm. Chị Jennifer Trần (Trần Thị Thu Nguyệt), Giám đốc Công ty Cổ phần Ưu Tú (VietWayEdu), người có hơn 10 năm nghiên cứu và đào tạo cho nhà đầu tư về phân tích kỹ thuật cho rằng, năm 2013 vẫn còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng kiếm tiền.

Muốn lướt sóng giỏi, phải rành phân tích kỹ thuật

Khi đa phần nhà đầu tư ở Việt Nam là lướt sóng thì phân tích kỹ thuật trở thành một công cụ đầu tư tối ưu. Vậy nhưng thực tế không có nhiều người hiểu và áp dụng thành công nó. Chị Jennifer Trần cho biết, người rành phân tích kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo chị, muốn lướt sóng giỏi, phải học phân tích kỹ thuật bài bản và nghiên cứu thị trường ít nhất 6 tháng.

Thưa chị, rất nhiều NĐT biết sử dụng phân tích kỹ thuật nhưng không phải ai cũng có khái niệm rõ ràng về công cụ này. Vậy theo chị phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật được ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2006, khi thị trường chứng khoán bắt đầu có đợt sóng tăng mạnh đầu tiên. Ở Việt Nam, mỗi người học và hiểu một kiểu nên khó đưa ra được khái niệm chung. Nhưng theo tôi, phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích đồ thị giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu, nhằm nhận diện biến động cung cầu đối với cổ phiếu đó. Từ đó xác định xu hướng hiện tại và tương lai, giúp nhà đầu tư biết được thời điểm mua hay bán cổ phiếu.

Theo chị, mức độ phổ biến và khả năng ứng dụng phân tích kỹ thuật tại thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư hiện nay như thế nào?

Đến nay, có rất nhiều nhà đầu tư biết sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật trong giao dịch chứng khoán nhưng không phải ai cũng sử dụng thành thạo. Nguyên nhân do thị trường chứng khoán từ năm 2007 đến nay giảm nhiều hơn tăng, làm nản lòng các nhà đầu tư, khiến họ ít có động lực phân tích thị trường thường xuyên. Bên cạnh đó, rất ít NĐT học phân tích kỹ thuật nghiêm túc, đa phần do bạn bè hướng dẫn, tự đọc sách, xem trên mạng… nên kỹ năng ứng dụng chưa cao.

Có một thực tế vui là, một số chuyên gia chứng khoán khuyên nhà đầu tư này nọ, nhưng thực chất họ cũng không rành phân tích kỹ thuật là mấy. Có người là chuyên gia về phân tích kỹ thuật nhưng hầu như chưa bao giờ đầu tư. Vì áp lực thành công của họ quá lớn, nếu thua lỗ sẽ mất hết uy tín, nên họ chỉ giảng chứ không đầu tư. Theo tôi được biết, người thành thạo và kiếm được tiền bằng phân tích kỹ thuật hiện nay trên thị trường có không quá nhiều.

Đầu tư bằng phân tích kỹ thuật chỉ dựa vào biểu đồ biến động giá chứ không đi theo thông tin doanh nghiệp. Vậy thưa chị, phân tích kỹ thuật đồng nghĩa với việc đầu tư cả những cổ phiếu có tin xấu?

Giá cổ phiếu sẽ phản ảnh thông tin tốt xấu của doanh nghiệp và tâm lý hiện tại của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu đó. Nhìn vào đồ thị sẽ nhận thấy dấu hiệu tích cực, lạc quan hay lo lắng… Nếu đã qua hết giai đoạn lo lắng, chuyển thành lạc quan thì tại sao lại không mua?

“Lời 30%, lỗ 10%”

Ngoài việc quản lí danh mục ủy thác, việc đầu tư cá nhân của chị thế nào?

Tôi đầu tư chứng khoán từ năm 2000 và cũng như bao nhiêu nhà đầu tư kỳ cựu khác, tôi trải qua hết những thăng trầm của thị trường chứng khoán. Thành công cũng nhiều, thất bại không ít. Thành quả lớn nhất tôi có được là kinh nghiệm trong vận dụng và điều chỉnh phân tích kỹ thuật cho phù hợp thị trường chứng khoán Việt Nam. Mỗi thị trường có một qui luật riêng.

Tôi lướt rất nhiều cổ phiếu trong 1 năm, tiêu chí của tôi cho mỗi lần mua bán là lợi nhuận từ 8-30% là đạt yêu cầu. Tôi không có những thương vụ quá thành công (lời 100% hoặc nhiều hơn) như một số nhà đầu tư khác, cũng như không có những cổ phiếu thua lỗ trên 20%. Thương vụ lời nhiều nhất của tôi là 30%. Tôi luôn đặt chuẩn cắt lỗ cho từng cổ phiếu, mất 10-12% là tôi cắt lỗ. Tôi hiểu được rằng, cần phải có tính kỹ luật thép thì mới có thể duy trì cuộc chơi. Vả lại, khi lỗ ít, việc “gỡ” lại cũng dễ dàng hơn.

Thưa chị, đáy và đỉnh là hai yếu tố quan trọng trong đầu tư bằng PTKT, nó giúp nhà đầu tư xác định sự thay đổi xu hướng giá tiếp theo. Vậy làm sao để đoán được các điểm này bằng phân tích kỹ thuật?

Một nguyên tắc rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật là đọc chứ không được đoán. Trong xu hướng tăng hoặc giảm sẽ có vô số đỉnh hoặc đáy giả. NĐT càng đoán càng thua lỗ nhanh mà thôi.

Nếu muốn xác định đỉnh và đáy nên dựa vào đỉnh lớn và đáy lớn. phân tích kỹ thuật cung cấp công cụ đường SMA20 để xác định các điểm này khá chính xác. SMA20 (SMA = Simple Moving Average 20 days) là đường biểu diễn sự thay đổi của các mức giá trung bình mỗi 20 ngày.

Nếu SMA20 thay đổi xu hướng, thị trường sẽ tăng hoặc giảm theo hướng này đến vài tháng. nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư theo xu hướng này. Nhà đầu tư lướt sóng cũng phải đầu tư thuận chiều xu hướng chính. Chẳng hạn khi xu hướng chính theo chiều tăng, nhà đầu tư có thể chọn những lúc giá giảm để mua vào và ngược lại.

Một dấu hiệu khác giúp xác định chính xác hơn các điểm đỉnh đáy là tại các điểm này, khối lượng giao dịch luôn đột biến, có thể cao gấp 1,5-2 lần bình thường.

Một nguyên tắc cũng quan trọng không kém nữa là nếu nhà đầu tư lướt sóng đã kiếm tiền được với mã cổ phiếu nào thì nên tiếp tục đánh tiếp mã đó. Sự thành công đó có nghĩa là nhà đầu tư đã quen với nhịp độ biến động giá cổ phiếu đó, theo kinh nghiệm của tôi. Chỉ nên chọn mã khác khi doanh nghiệp đó có những thay đổi quan trọng như thay đổi ngành nghề, nhân sự trong Hội đồng Quản trị, thay đổi thị trường kinh doanh hoặc thị phần…

Giả sử một cổ phiếu đã được xác định mua hay bán theo xu hướng thị trường bằng biểu đồ phân tích kỹ thuật vào một thời điểm nhất định. Nhưng nó lại bất chợt đi ngược thị trường cũng như ngược xu hướng mà biểu đồ phân tích kỹ thuật đã chỉ ra trước đó. Làm sao xác định những trường hợp đó bằngphân tích kỹ thuật? Trong những trường hợp như vậy, phân tích kỹ thuật thường khuyên NĐT nên làm gì?

Thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp cổ phiếu đi ngược biểu đồ, giảm đột ngột không có dự báo trước (trường hợp này rất ít), do thông tin bất thường xuất hiện. Nếu khối lượng khớp lệnh lớn thì chứng tỏ sự thay đổi xu hướng với cổ phiếu đó là có thực. Nhà đầu tư cần hành động theo xu hướng này vì không nên đi ngược đám đông. Cũng có một số NĐT liều mình đi ngược xu hướng đám đông đó, nhưng rất hiếm trường hợp thành công. Nhà đầu tư hay nói với nhau thế này: “Liều ăn nhiều mà chết quá nhiều!”.

Nhà đầu tư thật ra không cần phải biết trước thông tin hay mất công phân tích tin bất thường này. Vì biểu đồ sẽ giúp họ đưa ra các dấu hiệu mua hay bán ngay lúc đó. Ví dụ như trường hợp cổ phiếu CTG của Ngân hàng Công Thương – Vietinbank. Trước khi có tin các Quỹ Đầu tư chỉ số (ETF) loại cổ phiếu CTG ra khỏi danh mục từ giữa tháng 3, thì khoảng giữa tháng 2 đã có tin đồn. Lúc này, đồ thị của tôi đã cho tín hiệu bán rõ ràng. Và thực tế sau đó giá cổ phiếu CTG đã giảm cho đến đầu tháng 3.2012. Giá và khối lượng – nhu cầu của hà đầu tư, là sự khẳng định chắc chắn nhất trước các thông tin bất thường.

Năm 2013 không ít cơ hội kiếm tiền

Mua hay bán một cổ phiếu lúc nào thì đã có công cụ phân tích kỹ thuật trợ giúp. Nhưng thưa chị, vấn đề là NĐT mới làm sao có thể chọn ra được một cổ phiếu để đầu tư bằng phân tích kỹ thuật, trong gần 800 mã cổ phiếu đang niêm yết hiện nay?

Điều này không khó. Nhưng trước tiên nhà đầu tư phải xác định sở thích đầu tư của họ là gì. Phân tích kỹ thuật có những bộ lọc giúp chọn ra những cổ phiếu phù hợp với tiêu chí của họ. Chẳng hạn như lọc theo thanh khoản (giá trị khớp lệnh hàng ngày), biên độ tăng giảm bao nhiêu phần trăm mỗi phiên, xu hướng tăng dài hạn…

Tuy nhiên, theo tôi nhà đầu tư mới nên ưu tiên các tiêu chí sau đây. Đó là các cổ phiếu có thanh khoản ít nhất 500.000 cổ phiếu/phiên (ít hơn dễ dẫn đến rủi ro mất thanh khoản), niêm yết ít nhất 1 năm trở lên (sớm hơn thì chưa có đủ dữ liệu để phân tích).

Đặc biệt, không nên đầu tư theo chỉ số beta (biên độ biến động giá). Vì chỉ số này được tính toán trên các dữ liệu cũ, còn nhu cầu của nhà đầu tư tác động trực tiếp đến giá thì thay đổi từng ngày.

Với tư cách là chuyên gia phân tích kỹ thuật và nhà đầu tư lâu năm, chị đánh giá và đưa ra dự đoán như thế nào về xu hướng của thị trường chứng khoán năm nay?

Năm 2012 là năm của kỳ vọng. Thị trường chứng khoán đã có những đợt sóng tăng rất tốt, thể hiện kỳ vọng của NĐT về sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2013. Thông thường, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước sự tăng trưởng của nền kinh tế khoản 6-12 tháng.

Năm 2013 là năm của thực tại. Khi kinh tế vĩ mô đạt được những thành quả nhất định cũng như còn nhiều điều chưa tốt thì thị trường sẽ tạo nên những đợt tăng giảm ngắn hạn liên tục. Bước di chuyển của chứng khoán Việt Nam 2013 theo tôi dự báo là các bước sóng ngắn, gãy khúc, thị trường liên tục tạo đỉnh, đáy... Điều này giúp nhà đầu tư lướt sóng có rất nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận.

Với đặc điểm thị trường như vậy, nhà đầu tư nên đầu tư như thế nào để có thể kiếm được lợi nhuận và giảm rủi ro khi tham gia thị trường?

Thị trường sẽ có những bước di chuyển ngắn và nhanh, nhà đầu tư nên quyết định mua bán nhanh chóng theo từng bước sóng. Không nên mua ở những vùng tăng quá mạnh, vì khả năng những vùng này sẽ tạo đỉnh. Nhà đầu tư nên tập luyện khả năng nhận diện đỉnh, đáy của thị trường vì khả năng sẽ xuất hiện nhiều trong 2013.

Chọn lựa cổ phiếu để lướt sóng (tiêu chí này rất quan trọng) vì không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá trong 2013. Về cổ phiếu, tôi ưu tiên những cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn, có bước sóng tăng giảm cùng nhịp với chỉ số VN-index, thị giá thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, cần xem xét ưu tiên những cổ phiếu có báo cáo tài chính tốt trong 2012.