Thứ Năm | 27/12/2012 08:45

Năm 2012, nhiều doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, thua lỗ lớn

BGM trong 9 tháng gần như không có doanh thu; nhiều doanh nghiệp khác thua lỗ tới âm vốn chủ sở hữu và có nguy cơ hủy niêm yết.
Nhiều doanh nghiệp vốn ngàn tỷ không có doanh thu

Gần cuối tháng 7/2012, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà - Sudico ( SJS) công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2012 của công ty mẹ. Theo đó, doanh thu thuần quý này âm 1,93 tỷ đồng (so với cùng kỳ gần 51 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng lỗ 5,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước công ty vẫn có lãi 25 tỷ đồng. Tới quý III/2012, doanh thu của SJS có được cải thiện nhưng công ty vẫn lỗ thêm 36 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang ( BGM) trong 9 tháng đầu năm 2012 gần như không phát sinh doanh thu so với mức tương ứng cùng kỳ là 41 tỷ đồng.

Tình trạng không doanh thu hoặc doanh thu cực thấp, tụt giảm so với năm trước diễn ra khá phổ biến trong phần lớn thời gian năm 2012. Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Meca-VNECO (mã VES) trong quý III/2012 chỉ đạt 627 triệu đồng doanh thu, giảm 86% so cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt 5,33 tỷ đồng, giảm 72% cùng kỳ 2011.

Nhiều doanh nghiệp lớn có doanh thu thấp như SAM (quý III đạt 2,3 tỷ, so với 207 tỷ cùng kỳ); ITA (tổng doanh thu quý III âm 223 tỷ đồng)…

Doanh nghiệp lỗ mất vốn và đối mặt nguy cơ hủy niêm yết

Hiện tượng lãi thành lỗ hoặc tụt giảm nghiêm trọng sau kiểm toán, điển hình Tổng Công ty Vinaconex (VCG). Vào cuối tháng 4/2012, VCG công bố lợi nhuận ròng năm 2011 sau kiểm toán giảm 10 lần từ 447 tỷ xuống 40,2 tỷ đồng.

Trường hợp khác là Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) đầu tháng 9/2012 đã công bố lỗ lớn cùng với việc lãnh đạo 4 công ty con bị bắt giữ. Trong quý I, PVX vẫn có lãi nhưng tới quý II thì lỗ ròng 544,08 tỷ đồng (riêng công ty mẹ lỗ ròng 260,73 tỷ đồng). Bên cạnh đó, theo kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2012, PVX còn bảo lãnh 10 công ty con vay vốn tại 5 ngân hàng đã bị quá hạn tổng cộng lên đến 558 tỷ đồng.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 3, Chủ tịch Công ty HANIC ( SHN) - ông Đinh Hồng Long tuyên bố doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Trong 9 tháng đầu năm 2012, SHN lỗ gần 110 tỷ đồng, lũy kế 235 tỷ. Ông Long cho biết vụ việc Công ty CP BETA BQP vi phạm hợp đồng, không trả lại số tiền hơn 30 tỷ đồng đã khiến công ty có nguy cơ mất hết vốn và mất thanh khoản, hoạt động kinh doanh đang bị đình đốn do thiếu vốn, người lao động buộc phải nghỉ việc…

Tình trạng thua lỗ nặng nề, hụt vốn, đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2012 khá phổ biến như trường hợp Viglacera Đông Triều DTC (lỗ vượt vốn điều lệ), Viglacera Thăng Long TLT (lỗ lũy kế 117 tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu 48 tỷ đồng), VCH, FBT, VSG, S27, SHC, TLC

Nguồn VEF


Sự kiện