Năm 2012 đầy biến động với các CEO Việt Nam
10 công ty chứng khoán thay đổi CEO và 2 trong số đó bị khởi tố
Năm 2012 là năm cực kỳ khó khăn đối với các công ty chứng khoán, khi chỉ số VN-index xoay quanh mốc 400 điểm và HN-index dưới 90 điểm. Các công ty chứng khoán như Chứng khoán Âu Việt, An Phát, Nam An xin chấm dứt tư cách thành viên, rút nghiệp vụ môi giới để tiết giảm chi phí. Cùng với đó, gần 10 công ty chứng khoán thay đổi Tổng giám đốc như một nỗ lực cải tổ hoạt động.
Trong số các công ty nêu trên, đáng chú ý có trường hợp của Chứng khoán Liên Việt (LVS). Ông Hoàng Xuân Quyền, nguyên Tổng giám đốc LVS bị bắt giữ theo đơn tố cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT) LVS. Nguyên nhân là ông Hoàng Xuân Quyến đã thực hiện nghiệp vụ mà HĐQT chưa bao giờ cho phép khi đồng ý cho thế chấp cổ phiếu OTC và làm LVS bị thiệt hại tài chính.
Cũng từng là CEO và bị bắt giữ còn có ông Phan Huy Chí của Chứng khoán SME. Khi bị bắt giữ ngày 2/8, ông Chí là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SME và bị bắt giữ về tội " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trường hợp của SBS, ngoài thay CEO, SBS thay đổi gần như toàn bộ Hội đồng quản trị tới Ban Kiểm soát. Trong năm 2012, SBS bị xếp vào diện kiểm soát đặc biệt và bị khởi tố hình sự sau khi bất ngờ công bố lỗ thêm hơn 1.000 tỷ đồng năm 2011.
19 ngân hàng đổi CEO với nhiều gương mặt trẻ
Trong năm nay, có ít nhất 19 ngân hàng thay đổi CEO. Ngoài 10 ngân hàng có tên trong bảng dưới đây còn có 9 ngân hàng khác là SCB, Kienlong Bank, Baoviet Bank, OCB, LienVietPostBank, VietABank, VietCapital Bank, MDB và Ngân hàng Việt Nga cũng thay CEO.
Theo Vneconomy, năm 2012 là năm có số lượng các ngân hàng thay đổi lãnh đạo nhiều nhất từ trước tới nay. Trong số các CEO mới được bổ nhiệm có nhiều gương mặt trẻ như ông Đỗ Minh Toàn của ACB 41 tuổi, ông Phạm Duy Hiếu của ABBank mới 34 tuổi; ông Nguyễn Hưng của Tiên Phong Bank 46 tuổi....
Cũng có một số CEO điều chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Ví dụ như ông Phạm Duy Hiếu, trước khi đến với ABBank từng là CEO ở VietABank; ông Nguyễn Thành Vinh chuyển từ Techcombank sang VP Bank; còn ông Nguyễn Hưng đổi từ VP Bank sang TienphongBank. Một số ngân hàng khác lại tìm CEO ngoại như Techcombank, Marintime Bank.
Doanh nghiệp sản xuất cũng thay đổi người đứng đầu Ban điều hành
Một số doanh nghiệp lớn cũng thay đổi CEO trong năm nay. Tiêu biểu là ông Trương Đình Anh thôi giữ chức Tổng giám đốc FPT kể từ tháng 9/2012 và ông Trương Gia Bình quay lại nắm giữ chức vụ này. Nguyên nhân sự ra đi của ông Trương Đình Anh là khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông Trương Đình Anh và HĐQT.
Ngoài ra, còn có Tập đoàn Vingroup ( VIC) bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Thủy giữ chức Tổng giám đốc thay bà Mai Hương Nội. Bà Lê Thị Thu Thủy từng có thời gian làm việc tại Lehman Brothers với cương vị Phó Chủ tịch tại khu vực Nhật Bản, Thái Lan, Singapore. Việc thay đổi CEO của Vingroup nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, chuẩn bị cho việc Vingroup sẽ IPO và niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Singapore trong thời gian tới.
Mới đây nhất, ông Đặng Thành Tâm thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc KBC và bà Nguyễn Thị Thu Hương được bổ nhiệm thay thế. Một số doanh nghiệp khác thay đổi CEO như BMP, STL, DIG, SCR, VSP, HDG, VMD, Viettel Global, Saigontel...
Việc doanh nghiệp thay đổi CEO có nhiều lý do, có trường hợp là do cá nhân CEO muốn thay đổi công việc; cũng có trường hợp là HĐQT bãi miễn do không hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng dù với bất cứ lý do gì thì thay CEO cũng là tối kỵ, bởi thay đổi này thường đi kèm với thay đổi cả Ban điều hành (bao gồm các Phó Tổng giám đốc và giám đốc phụ trách); trong nhiều trường hợp còn thay đổi cả văn hóa doanh nghiệp.
Hiện nay một số doanh nghiệp niêm yết có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO, một số người vẫn đánh đồng 2 chức danh này với nhau, cũng như vai trò của Hội đồng quản trị và Ban điều hành. 2 chức danh Chủ tịch HĐQT và CEO thực tế có nhiều điểm khác biệt.Chủ tịch HĐQT là một trong những thành viên HĐQT, đại diện của cổ đông. HĐQT quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm; kiến nghị về phát hành cổ phiếu, quyết định về bổ nhiệm, bãi miễn Tổng giám đốc. Chủ tịch HĐQT sẽ có trách nhiệm lập chương trình, kế hoạt động của HĐQT,… Nếu không có đột biến, HĐQT chỉ họp định kỳ và thường là 1 quý 1 lần.Trong khi đó, CEO do HĐQT bổ nhiệm. Nhiệm vụ của CEO là giải quyết công việc kinh doanh hàng ngày của công ty và tổ chức thực hiện quyết định của HĐQT. CEO có thể nắm cổ phần của công ty có thể không, và cũng như mọi nhân viên khác có thể bị HĐQT sa thải khi không hoàn thành chỉ tiêu hoặc không phù hợp với định hướng mới của doanh nghiệp. Do tính chất công việc, CEO thường là người sát sao nhất với tình hình doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mọi bộ phận trong doanh nghiệp. |
Nguồn Khampha