Nai Cư Êbur mở đường vào siêu thị
Cách Sài Gòn khoảng 350 km về hướng Tây Nguyên, nơi có sông Sêrêpôk hùng vĩ chảy qua là vùng nuôi nai lớn nhất cả nước.
Nhiều thập niên trước, những người di cư đã đến đây lập nghiệp. Ngoài trồng cà phê, tiêu, người ta còn nuôi thêm nai. Ban đầu, người dân xã Cư Êbur (hay còn gọi là xứ đạo Châu Sơn, thuộc Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chỉ xem đây như thú chơi. Lâu dần, nhờ có thể cắt nhung nai đem bán, nghề nuôi nai đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo.
Đối với ông Lê Linh Duy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tam Nông, Giám đốc Công ty Thực phẩm Đông Bắc Á, nai còn có tiềm năng lớn hơn thế. Đi nhiều, đọc nhiều, ông phát hiện thấy nai có thể mang lại giá trị kinh tế lớn hơn rất nhiều nếu biết chế biến, chiết xuất nhung nai thành thực phẩm giàu dinh dưỡng như nhung nai mật ong, nhung nai nhân sâm hay viên nang, thay vì chỉ dùng ngâm rượu, ngâm mật ong, cắt lát để bồi bổ sức khỏe như lâu nay.
Nhưng muốn nuôi nai chuyên nghiệp, chế biến nhung nai cũng như tìm đầu ra ổn định cho nai đòi hỏi phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Vì thế, 10 năm trước, khi quyết định rẽ hướng sang nông nghiệp, ông Duy không bắt đầu ngay với nai.
Ông khởi nghiệp từ con gà ác. Gà ác của Tam Nông là gà có nguồn gốc từ Tiền Giang, cái nôi sinh trưởng của giống gà này. Nhưng khác biệt ở chỗ, các nông dân muốn cung cấp gà ác cho Tam Nông phải tuân theo tiêu chuẩn, quy trình bài bản. Bộ tiêu chuẩn, quy trình này được ông Lê Linh Duy xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các mô hình của thế giới và sáng tạo thêm cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đây là một áp lực không nhỏ cho cả Tam Nông lẫn người nuôi, bởi nông dân vốn không quen với các tiêu chuẩn. Nhưng để có thể tiến thẳng vào hệ thống siêu thị, ông Duy quyết đi theo cách thức này.
Doanh nhân Lê Linh Duy. Ảnh: Quý Hòa |
Nhờ chỉn chu ngay từ khâu đầu vào, lại chú ý đến quy trình giết mổ, bảo quản, vận chuyển mà Big C rồi lần lượt nhiều siêu thị như Co.opmart, Lotte… đã mua hàng của Tam Nông. Cũng từ đây, hàng loạt sản vật địa phương như chim cút, thỏ, bò tơ Củ Chi, gà H’Mông, bồ câu, măng tre, chuối rừng… đã có mặt ở các siêu thị dưới tên gọi Tam Nông. Tính ra, đã có hơn 40 sản vật địa phương từ khắp các vùng miền được Tam Nông phát triển và giới thiệu đến tận tay người tiêu dùng. Kênh bán hàng của Tam Nông cũng mở rộng sang hệ thống các nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Doanh thu của Tam Nông lên tới hàng trăm tỉ đồng và Công ty duy trì được tốc độ tăng trưởng sản lượng, doanh thu trung bình 35%/năm suốt 10 năm qua. Tam Nông trở thành một trong số ít các công ty tìm thấy cơ hội từ ngách nhỏ của thị trường và làm thương hiệu cho nhiều sản vật địa phương. Đối với ông chủ của Tam Nông, xuất thân từ một gia đình nông dân, đây là “mong muốn đời người”. “Tìm cái gì đó liên quan đến nông dân mà làm. Vừa làm giàu, vừa giúp họ thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá là tâm nguyện đầu tiên của tôi khi kinh doanh sản phẩm nông nghiệp”, ông Duy tâm sự.
Trên thực tế, con đường kinh doanh sản vật địa phương không hề bằng phẳng. Ngoài các yêu cầu ngặt nghèo về tiêu chuẩn và quy trình, khó khăn khác là phải nhìn ra những sản vật địa phương nào dễ được đón nhận và được đảm bảo về vùng nguyên liệu, phải cải biến sản phẩm để hợp với khẩu vị số đông người tiêu dùng...
Chế biến thực phẩm là bước tiến tất yếu sau khi đã thuyết phục được người tiêu dùng chấp nhận sản vật địa phương dưới dạng tươi sống và đông lạnh. Ông Duy tính toán, sản vật đóng hộp sẽ tiện dụng hơn, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng hơn, tạo những sản phẩm giá trị cao hơn và nhất là có thể xuất khẩu. Đông Bắc Á mới chỉ bắt đầu sản xuất thực phẩm đóng hộp nên các bước đi còn mang tính thận trọng và có tính thăm dò.
Nhưng sắp tới, khi nhà máy chế biến có thể đạt tới công suất tối đa (10.000 sản phẩm/ngày), khi chủng loại sản phẩm đồ hộp được mở rộng hơn con số hiện tại (từ 12 loại), tốc độ phát triển được dự báo sẽ tăng. Nhưng cũng như trong mảng tươi sống và đông lạnh, đồ hộp của Đông Bắc Á sẽ phải đối mặt với thách thức đưa hàng vào siêu thị. Dù đã thiết lập được mối quan hệ đối tác với các siêu thị nhưng chi phí để vào được siêu thị luôn khiến Công ty phải suy tính…
Chi phí sẽ càng cao lên nếu Công ty không loại bỏ được các mối nguy từ trong khâu chọn con giống, thức ăn cho vật nuôi, tổ chức chuồng trại, thuốc bảo vệ đến khâu thu gom, giết mổ, bảo quản, bao bì, đóng gói, vận chuyển… Đó là lý do từ khi khởi nghiệp, ông Duy đã tìm cách liên kết vùng nuôi hoặc tự thiết lập trang trại riêng, để kiểm soát được chất lượng đầu vào.
Một trang trại rộng hàng chục hecta đã ra đời. Ban đầu chỉ là nuôi bò, vịt trời.. nhưng hiện tại, nhận thấy điều kiện đã chín muồi, Đông Bắc Á mở rộng và hướng tập trung sang nuôi nai. Một đàn nai hơn 300 con giống đang được nuôi thả tại Châu Sơn. Mong muốn của ông Duy là sẽ phát triển đàn nai đủ lớn để không chỉ phục vụ trong nước mà còn chế biến xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc, Úc, Canada...
Ông Duy đang liên lạc, tìm đường xuất ngoại cho nhung nai, có kế hoạch biến trang trại thành điểm đến mới cho du lịch quê nhà. Ở đó, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn đàn nai, quan sát quy trình nuôi nai cũng như trải nghiệm thú điền viên không dễ gì tìm gặp nơi thị thành. Dự kiến đầu năm sau, Khu du lịch Đảo Thỏ sẽ được đưa vào khai thác, quảng bá cho các sản phẩm địa phương. “Người nông dân nuôi nai ở đây sẽ bớt phụ thuộc vào thương lái, bớt đi cảnh được mùa nhưng mất giá”, ông Duy nói về kế hoạch của mình.
Khó khăn nhất là nhung nai thường bán tươi, trong khi người dân ở đây vẫn chỉ bán theo kiểu truyền thống là bán cho các thương lái đem đi các nơi tiêu thụ vì không thể để lâu. Do đó, giá cả rất bấp bênh. Nếu đóng hộp được nhung nai sẽ giải quyết cơ bản khó khăn này. Nghĩ là làm, ông Duy đã tìm hiểu và liên kết với một số trường đại học để phát triển thành công quy trình chiết xuất, chế biến nhung nai đóng lọ...
Đầu tư đồng cỏ, chuồng trại, con giống... cho nai rất tốn kém, lên tới hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Mua sắm máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ cũng là những khoản chi đáng kể. Ngoài ra, để đạt mục tiêu biến trang trại thành điểm du lịch, ông Duy còn đầu tư thêm hạ tầng, trồng hơn 7.000 cây các loại quanh khu vực. Vì thế, ông khẳng định, muốn kinh doanh thực phẩm một cách chuyên nghiệp, theo chuỗi khép kín, muốn tận dụng các cơ hội trong ngành này, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh.
Tiền hay cạnh tranh không phải là yếu tố khiến ông Duy lo lắng. Bởi ông tin những sản phẩm thuần Việt luôn có chỗ đứng nếu doanh nghiệp thực thi chiến lược kinh doanh bài bản ngay từ đầu. Hiện tại, nếu chỉ bán tối thiểu 1 ngày 1 hộp nhung nai, thì với mạng lưới phân phối tại 500 cửa hàng siêu thị, doanh thu cho riêng mảng nhung nai đã lên tới 300 tỉ đồng/năm. Nhưng ông rất lo ngại cho thực phẩm Việt đang ngày càng đánh mất lòng tin nơi người tiêu dùng.
Bước đường tiếp cận khách hàng vì thế đã nhọc nhằn hơn. “Dấn thân vào thực phẩm trong bối cảnh này đòi hỏi trách nhiệm và lòngdũng cảm”, ông Duy khẳng định. Ông hy vọng sẽ có một cuộc chấn hưng về thực phẩm, vì sức khỏe, tương lai cộng đồng và để tạo dựng lại niềm tin người tiêu dùng đối với tất cả sản phẩm Việt. “Nhưng dù môi trường kinh doanh diễn ra như thế nào thì tôi vẫn kiên định đi theo con đường kinh doanh có đạo đức, bởi đây là cách làm ăn hiệu quả và bền vững nhất”, ông Duy khẳng định.
Viết Nguyên