Nafoods (NAF): Năm 2016 triển khai dự án nuôi 24.000 con bò, đầu tư nhà máy Long An
Hôm nay (11/12), Công ty Cổ phần Nafoods Group (mã NAF) tổ chức họp mặt nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM.
Năm 2016 triển khai 3 dự án mới
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NAF cho biết, kế hoạch trong năm 2016, Công ty sẽ triển khai 3 dự án mới gồm dự án nâng quy mô viện giống tại Nghệ An, phát triển vùng trồng tại Quế Phong và Gia Lai và dự án nuôi 24.000 con bò.
Về dự án viện giống tại Quế Phong (Nghệ An), đây là dự án có quy mô 5ha, tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Năng suất từ viện giống này có thể đạt 2,4 triệu cây giống/năm, theo đó, tổng công suất của NAF có thể tăng lên 3 triệu cây giống/năm. Dự án sẽ được triển khai từ tháng 1 đến tháng 5/2016. Dự kiến doanh thu đem lại từ 55 - 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 17 tỷ đồng/năm. Thời gian hoàn vốn mất khoảng 2,5 năm. "Đây là dự án trọng điểm, yết hầu của Nafoods", ông Hùng khẳng định.
Bên cạnh đó, NAF sẽ triển khai thêm 400ha vùng trồng cây chanh leo tại Quế Phong (Nghệ An) và Gia Lai (Tây Nguyên). Theo ông Hùng, dự án có tổng mức đầu tư 86,6 tỷ đồng, trong đó vốn vay 43,3 tỷ đồng. Với diện tích vùng trồng này, NAF dự kiến sẽ đem lại thêm ít nhất 100 tỷ đồng doanh thu và 21 tỷ đồng lợi nhuận. Theo đó, dự án có thể hoàn vốn trong khoảng 3 năm.
Về dự án nuôi bò Úc, dự án có tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, trong đó vốn vay 122,5 tỷ đồng. Với vùng nuôi khoảng 150ha, NAF dự kiến nhập khẩu 24.000 con bò mỗi năm. Công ty sẽ bắt đầu triển khai dự án này từ tháng 12/2015. Theo kế hoạch, dự án này có thể đem lại hơn 700 tỷ đồng doanh thu và 45 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Theo chia sẻ của ông Hùng, sở dĩ Công ty phát triển thêm mảng nuôi bò vì tận dụng những phụ phẩm trong nhà máy như vỏ chanh leo, vỏ dứa... để giảm giá thành thức ăn. Ngoài ra, Nafoods cũng cần phải mua phân hữu cơ, phân bò để phát triển vùng trồng. Công ty có thể tận dụng phân từ dự án này.
Phát hành riêng lẻ 30 tỷ đồng huy động vốn đầu tư nhà máy Long An
Song song với 3 dự án trên, Nafoods cũng ưu tiên triển khai thêm xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai tại Long An.
Dự án có tổng vốn 120 tỷ đồng, NAF tham gia 65% (tương đương 90 tỷ đồng). Nhằm huy động vốn đầu tư dự án này, NAF dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ 30 tỷ đồng.
Đây là dự án có thể đem lại công suất tối thiểu 5.000 tấn nước ép cô đặc/năm. Doanh thu bình quân có thể đạt 500 tỷ đồng/năm, lợi nhuận dự kiến 35 tỷ đồng, hoàn vốn 7 - 8 năm. Dự kiến sớm nhất cuối năm 2016 đầu năm 2017, dự án sẽ bắt đầu đem lại doanh thu.
Theo ông Hùng nhà máy này có công suất lớn hơn nhà máy tại Nghệ An. Với nhà máy Long An, NAF sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Cụ thể, ông Hùng cho rằng, Long An là vùng trung tâm nguyên liệu với đầy đủ các loại xoài, dứa, chanh leo, thanh long..., bên cạnh đó, Công ty còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển từ Tây Nguyên. Hiện chi phí vận chuyển từ Tây Nguyên về Nghệ An của NAF tốn khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm, ông Hùng cho biết.
Trong năm 2016, NAF sẽ trích 15% lợi nhuận tích lũy (tương đương 37,5 tỷ đồng) nhằm bổ sung vốn chủ sở hữu, trong đó, trích 5% lợi nhuận để phát hành ESOP.
Ông Hùng cũng cho rằng, khi các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực như TPP hay FTA với EU thì Nafoods sẽ hưởng lợi. Hiện, thuế suất sản phẩm NAF sang EU là 7%, trong khi đối tác xuất khẩu chanh leo lớn nhất thế giới là Ecuador hiện là thuế suất 0%. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng sang năm thuế suất của Ecuador sẽ là 7%, trong khi các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực thì thuế suất của Việt sẽ giảm xuống còn 0%.
9 tháng lãi vượt kế hoạch, dự kiến doanh thu 2016 là 620 tỷ đồng
Nafoods Group cho biết quý III/2015, Công ty đạt doanh thu hợp nhất trên 114,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 15,1 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của NAF lần lượt đạt 359,13 tỷ đồng và 47,5 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu trong 9 tháng, chiếm tỷ trọng cao nhất là các sản phẩm nước chanh leo cô đặc với 39,1% (140,5 tỷ đồng), tiếp đến là sản phẩm rau củ quả IQF, nước ép khác với 28,2% (101 tỷ đồng). Sản phẩm cây giống cũng đóng góp 11,4% vào doanh thu 9 tháng (41 tỷ đồng).
Năm 2015, Công ty lên kế hoạch đạt 530 tỷ đồng doanh thu và 47,04 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả kinh doanh sau 9 tháng, Nafoods đã đạt 67,76% kế hoạch doanh thu và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tính đến hết ngày 30/9/2015, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 522 tỷ đồng. EPS 9 tháng đạt 2.207 đồng.
NAF đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2016 lần lượt là 620 tỷ đồng và 62 tỷ đồng. Theo chia sẻ của ông Hùng, hằng năm Công ty đều tham gia Hội chợ nông sản lớn nhất thế giới tại Đức. Tại hội chợ năm nay, NAF đã ghi nhận được giá trị đơn đặt hàng chanh leo khoảng 336 tỷ đồng, gấc khoảng 22 tỷ đồng, xoài khoảng 45 tỷ đồng và nhiều sản phẩm khác cho năm 2016. Kế hoạch doanh thu năm 2016 được đặt ra chưa tính đến mức doanh thu dự kiến từ nhà máy chuẩn bị đầu tư tại Long An.
Nafoods Group được thành lập cách đây 20 năm, hoạt động trong ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Đây là doanh nghiệp sở hữu chuỗi giá trị khép kín cạnh tranh toàn cầu từ khâu giống - trồng trọt đến sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Cổ phiếu NAF đã chính thức giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 7/10/2015. Nafoods đang sở hữu 150 ha vùng nguyên liệu chuyên trồng gấc ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), 650 ha trồng chanh leo và gấc ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Bên cạnh đó, Công ty có một nhà máy chế biến sản phẩm đạt chuẩn châu Âu và một Viện ươm giống chanh leo công nghệ cao với sản lượng 2 triệu cây giống/năm. Bắt đầu từ tháng 11/2015, NAF cho ra mắt thị trường sản phẩm nước ép trái cây cô đặc với mục tiêu đạt sản lượng hàng tiêu dùng nội địa trong năm 2016 là 576.000 lít, tương đương với 70 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính, doanh thu năm 2014 của Nafoods đạt 292 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18,6 tỷ đồng. |
Trường Văn