Nafoods bắt đầu ngấm đòn vì bỏ trứng vào một giỏ. Nguồn ảnh: Baomoi.com

 
Sơn Mai Thứ Ba | 26/02/2019 15:28

Nafoods gặp khó tại thị trường xuất khẩu

Nafoods đã quyết định chuyển nhượng công ty con cho Tập đoàn TH Group, quyết định này được đưa ra sau khi lợi nhuận 2018 của công ty giảm.

Những chiến lược đẩy mạnh thị trường

Từ thương vụ này, Công ty Cổ phần Nafoods Group (HoSE: NAF) có thể mang về 27 tỉ đồng. Đây là một trong những chiến lược của Nafoods trong năm 2019. Sắp tới, Nafoods cũng dự định mở văn phòng đại diện tại nước ngoài nhằm đẩy mạnh doanh số bán hàng.

Trong hoạt động của năm 2019, tháng 1 vừa qua, công ty này đã hợp tác với đơn vị gia công sản phẩm điều với quy mô 1.000 tỉ đồng. Đồng thời, Nafoods còn hợp tác với đối tác Nga để có sản lượng điều và macca tăng đều mỗi tháng. Theo đó, công ty này dự kiến sẽ mang về 892 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 81 tỉ đồng trong năm 2019.

Dự kiến, trong tháng 2.2019, Công ty đặt kế hoạch 4 triệu USD (tương đương 91,6 tỉ đồng) doanh thu xuất khẩu cho cả 3 mảng kinh doanh truyền thống, hoa quả tươi và thương mại tổng hợp. Bên cạnh đó, công ty đang đẩy mạnh đàm phán để có mức giá xuất khẩu tốt cho sản phẩm hoa quả tươi tại thị trường Trung Quốc và Trung Đông.

Vừa qua, NAF cũng vừa thông qua phương án mua lại cổ phần của các cổ đông nhỏ lẻ như, Công ty Cổ phần Chanh leo Nafoods, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Nafoods Miền Nam tại các công ty thành viên. Theo đó, NAF sẽ tăng sở hữu lên 99,8% vốn tại các công ty này.

Giá chuyển nhượng tại Công ty Chanh leo Nafoods là 31.045 đồng/cổ phiếu, Nafoods Tây Nguyên sẽ mua lại với mức giá 8.144 đồng/cổ phiếu và Nafoods Miền Nam là 9.331 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chuyển nhượng chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân là 80 tỉ đồng, NAF sẽ thanh toán thuế TNCN cho nhóm cổ đông nhỏ lẻ là 3 tỉ đồng.

Nafoods gap kho tai thi truong xuat khau
 

Thị trường xuất khẩu ngày càng thắt chặt

Thị trường xuất khẩu hiện nay đang có nhiều thay đổi nên ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của NAF. Theo kết quả kinh doanh 2018, tình hình kinh doanh của công ty này đã có dấu hiệu sụt giảm.

Trong năm 2018, doanh thu công ty đạt trên 600 tỉ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng chỉ đạt NAF gần 27 tỉ đồng, giảm một nửa so với năm 2017. Công ty chỉ thực hiện được 81% kế hoạch doanh thu và chưa đến 54% kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong 2018.

Nguyên nhân được Nafoods lý giải, lợi nhuận năm 2018 giảm tốc chủ yếu do phải chịu áp lực cạnh tranh về giá bán cũng như phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài trong vấn đề đầu ra. Trong quý I/2018, đối tác nhập khẩu châu Âu-Flagfood AG ngưng nhập khẩu đã phần nào hạn chế nguồn thu của NAF.

Các sản phẩm của Nafoods đang bị phụ thuộc đầu ra bởi các thị trường ngoại. Đặc biệt, các sản phẩm của công ty cũng đanh chịu sức ép lớn về các chính sách thuế của các nước nhập khẩu. Những khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2019.

Hiện châu Âu và châu Á vẫn là hai thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm chanh leo cô đặc và rau củ quả của Nafoods. Hai dòng sản phẩm này vẫn là chủ lực của NAF nhưng đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều thị trường khác.

Cụ thể, sản phẩm của NAF bị áp thuế 7% tại thị trường châu Âu. Trong khi, chanh leo và rau củ có xuất xứ từ Nam Mỹ lại đang được hưởng mức thuế bằng 0%. Điều này gây lo ngại cho Nafoods vì đơn vị này chưa thể tìm được thị trường mới thay thế. 

Trong thời điểm này, giá xuất khẩu của các sản phẩm này lại đang giảm cũng là một yếu tố đang gây khó khăn cho NAF. Điều này đã thể hiện rõ trong tình hình kinh doanh năm 2018, dự báo 2019 không mấy khả quan hơn.