Thứ Tư | 19/06/2013 12:11

Mỹ xem xét tăng xuất khẩu dầu lần đầu tiên trong gần 40 năm qua

Cách mạng sản xuất dầu Mỹ đã buộc Quốc hội nước này xem xét nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô áp dụng suốt hơn 3 thập kỷ.
Mỹ bắt đầu hạn chế xuất khẩu dầu thô từ năm 1973-1974 do lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Ả Rập thời điểm đó đã khiến giá xăng dầu tăng lên kỷ lục, nguồn cung trong nước thiếu hụt nặng nề.

Tuy nhiên, sự bùng nổ cách mạng khai thác dầu đá phiến đã khiến sản lượng dầu thô nội địa Mỹ năm 2012 tăng thêm kỷ lục 766.000 thùng/ngày, khiến các nhà chức trách cần phải xem xét việc bán bớt dầu thô ra nước ngoài. Thành công của công nghệ bẻ gẫy thủy lực và khoan ngang đã mang đến sản lượng kỷ lục có thể đáp ứng công suất của các nhà máy lọc dầu trong nước trong vòng 18 tháng đến 3 năm tới. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, đến năm 2020, sản lượng dầu thô Mỹ có thể vượt Ả Rập Xê Út, nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC.

Từ năm 2007, lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ bắt đầu giảm, do sản lượng dầu nặng sản xuất từ khu vự Texas và Bắc Dakota tăng. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu Mỹ được thiết kế xử lý dầu nhẹ tốt hơn, do vậy, Mỹ vẫn cần nhập khẩu dầu nhẹ. Theo Cơ quan thông tin năng lượng, Mỹ đã giảm lượng nhập khẩu xăng dầu từ 60% nhu cầu tiêu thụ năm 2005 hiện xuống còn khoảng 40%.

Mỹ hàng năm vẫn có xuất khẩu dầu thô nhưng chỉ xuất sang Canada theo hiệp định thương mại giữa 2 nước. Mỗi ngày, Mỹ vận chuyển sang Canada khoảng 120.000 thùng dầu thô. Nhiều chuyên gia cho rằng lượng xuất khẩu này cần được tăng cường hơn nữa.

Tuy nhiên, nếu áp dụng nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, nhiều người lo ngại có thể là nguyên nhân làm tăng giá xăng dầu nội địa.

Nguồn Dân Việt/Bloomberg


Sự kiện