Mỹ vẫn là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam
Ngoài yếu tố là thị trường có nhu cầu lớn về hàng hoá nhập khẩu, Mỹ còn là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Theo số liệu mới nhất từ Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ của Bộ Công Thương, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 41,6 tỉ USD, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (BTA) có hiệu lực, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng cao, tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỉ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt khoảng 50,8 tỉ USD vào cuối năm 2017.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Theo đó, thặng dư trong trao đổi thương mại với Mỹ của Việt Nam đạt trên 32,4 tỉ USD trong năm 2017.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đó là lý do các sự kiện xúc tiến xuất khẩu liên quan đến thị trường này luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất sang Mỹ trong cả năm 2017 đạt xấp xỉ 34 tỉ USD, chiếm trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Năm nay có một điểm khá đặc biệt, ngoài sản phẩm như dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản, thì những sản phẩm mới như hàng điện tử, sắt thép, thực phẩm chế biến cũng đang tìm được chỗ đứng của mình tại thị trường Mỹ.
Trong đó, dẫn đầu tiếp tục là hàng dệt may 12,28 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 29,51% tổng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, tiếp theo là giày dép 5,11 tỉ USD, điện thoại và linh kiện 3,7 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và các sản phẩm gỗ 3,26 tỉ USD.
Theo đánh giá của ngành, trong 3 ngành có kim ngạch xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ có chút ảnh hưởng trong năm nay là dệt may, gỗ, thuỷ sản… Năm nay, dệt may vẫn tăng trưởng khá tốt từ thị trường Mỹ dù trước đó Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại CPTPP.
Tuy nhiên, ngành này vẫn còn một số khó khăn vì bị cạnh tranh bởi các nước trong khu vực, những nước đang có tốc độc tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ tăng cao. Ngành gỗ không bị ảnh hưởng gì bởi thuế xuát khẩu vào thị trường này bằng 0% từ nhiều năm nay, ngành nhiều lo ngại rằng thị trường Mỹ đang có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp gỗ quay về sản xuất. Sản phẩm thuỷ sản bị ảnh hưởng nhiều vì chính sách áp thuế Chống bán phá giá gần 4,8%, các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng từ Bộ Thương mại Mỹ.