Mỹ tố Trung Quốc tăng tốc cải tạo đất tại Trường Sa
Những cố gắng xây dựng và đắp đất của Trung Quốc đã tăng tốc trong 5 tháng qua. Tổng diện tích tại các tiền đồn trên Biển Đông tăng 4 lần, từ khoảng 2 km2 vào tháng 12 lên hơn 8 km2, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm qua nói.
Quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc biến ít nhất một bãi cạn thành đảo, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia láng giềng như Philippines, Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Mỹ không ủng hộ nỗ lực cải tạo đất trên Biển Đông. "Tuy nhiên, tốc độ và quy mô cải tạo của Trung Quốc trong những năm gần đây khiến những bên còn lại trở nên nhỏ bé khi so sánh. Trung Quốc mở rộng diện tích tại tiền đồn họ chiếm gần 400 lần", quan chức giấu tên nói.
Trung Quốc đang sử dụng thiết bị hạng nặng tại 5 khu vực để xây dựng cơ sở mà giới chức Mỹ nghi chúng có thể được sử dụng để mở rộng tiền đồn gồm cảng, hệ thống giám sát và liên lạc, cùng các cửa ngõ hỗ trợ hậu cần. Ít nhất một đường băng dài 2,74 km đã được trải nhựa một nửa, WSJ đưa tin.
"Hiện vẫn chưa rõ mục đích cuối cùng trong kế hoạch mở rộng đất. Chính phủ Trung Quốc nói hoạt động này chủ yếu để cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt cho lực lượng đồn trú trên các đảo", báo cáo Lầu Năm Góc cho biết. "Phần lớn giới phân tích tin rằng Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi nguyên trạng thực địa bằng cách củng cố kiến trúc phòng thủ" trên Biển Đông.
Trung Quốc còn thể hiện "ngôn từ mạnh mẽ và hành vi đối đầu" trong việc giải quyết tranh chấp tại khu vực giàu tài nguyên này, báo cáo cho biết thêm. Đó là hành động chặn tàu cung ứng Philippines tới tiền đồn trên bãi Cỏ Mây và điều giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cải tạo đất tại Trường Sa cho phép Trung Quốc có "những cơ sở quân - dân sự hoạt động ổn định để tăng cường hiện diện trong khu vực tranh chấp".
Hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông là một trong số nhiều vấn đề an ninh được đưa ra trong báo cáo thường niên về sự phát triển quân đội Trung Quốc Lầu Năm Góc đệ trình quốc hội. Báo cáo còn nêu lên quan ngại về xâm nhập trên mạng, lực lượng tàu ngầm gia tăng và sự thiếu minh bạch trong ý đồ quân sự.
Nguồn Vnexpress