Ảnh: Quý Hòa
Mỹ phẩm khởi sắc với thảo dược
Trong một cửa hàng dược sang trọng treo bảng hiệu tiếng Hàn ở Khu Đô thị Ba Son (quận 1, TP.HCM), vị trí trưng bày đẹp nhất được để dành cho hàng chục chai dầu gội đầu của một công ty mỹ phẩm Việt Nam. Những chai dầu gội này nhìn không hề bắt mắt nhưng lại được tiêu thụ rất tốt tại khu vực đông người dùng tuổi trung niên gốc Bắc và từng có thời thơ ấu gắn liền với bồ kết, vỏ bưởi...
Tận dụng kênh thương mại điện tử để phát triển
Dùng thảo dược địa phương để làm ra mỹ phẩm bán cho người trong nước, đó là khởi đầu của nhiều hãng mỹ phẩm nội địa giá trị hàng chục triệu đô ra đời tại Thái Lan, Ấn Độ. Đây cũng là bước đầu của hàng trăm công ty mỹ phẩm do người Việt sáng lập trong những qua.
Tháng 10 năm nay, labambivalley.com - một địa chỉ mua hàng quen thuộc của cộng đồng ưa chuộng mỹ phẩm thiên nhiên tại Việt Nam - sẽ tròn 3 tuổi. Đây là mô hình kinh doanh do 8 doanh nghiệp mỹ phẩm góp sức xây dựng, hoạt động như một siêu thị mỹ phẩm, quy tụ những sản phẩm được Bộ Y tế công bố lưu hành với 8 thương hiệu gồm Andalou, Coko, TheHerbalCup, Skinna, SheaGhana, Myin, Karose và Bimore. Nhỏ nhưng chịu đoàn kết theo một định hướng chung, 8 doanh nghiệp ở cả miền Nam lẫn miền Bắc này đã dễ dàng tiếp cận khách hàng trên toàn quốc với chi phí tiết kiệm nhất.
Không có lợi thế về hệ thống phân phối cũng như ngân sách quảng cáo, một số doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Việt Nam vẫn từng bước xây dựng được chỗ đứng ở thị trường ngách. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, phụ nữ Việt chi tiêu trung bình 140.000 đồng mỗi tháng cho mỹ phẩm và con số này ngày càng tăng. Ngoài ra, mỗi năm có hơn 2.000 spa mới được mở ra trên cả nước. Tất cả tạo nên một không khí kinh doanh sôi động, nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp xác định sẽ đi đường dài cùng thị trường này.
Dữ liệu từ Công ty Mintel ước tính thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá xấp xỉ 2,3 tỉ USD. Các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% thị phần, trước đây phần lớn nhắm vào phân khúc giá thấp và xuất khẩu sang một số thị trường lân cận. Điển hình như Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn có kênh phân phối chủ yếu tập trung ở nông thôn và các khu chợ, mỗi năm tiêu thụ khoảng 500.000 chai nước hoa, giá trung bình 60.000 đồng mỗi chai 50 ml. Ngoài ra, lượng xuất khẩu qua Campuchia, Lào, Thái Lan... chiếm 40% doanh thu. Tương tự, Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo - Thorakao cũng cho biết những năm gần đây tăng trưởng tại thị trường trong nước là 30%, song thị trường xuất khẩu vẫn là chủ lực.
Song song với phân khúc bình dân, hiện đã có những sản phẩm làm đẹp Made in Vietnam giá cao tương đương sản phẩm của các tập đoàn hàng đầu thế giới mà vẫn bán chạy. Bảo đảm được nguồn gốc thiên nhiên của mỹ phẩm và hiểu rõ tâm lý một bộ phận người tiêu dùng trong nước, đó là công thức chung làm nên thành công bước đầu của các thương hiệu Việt. Tiêu biểu tại TP.HCM là Lá House, ở Hà Nội là Bimore. Với quy mô kinh doanh còn nhỏ, người sáng lập dễ dàng truyền tâm huyết và hiểu biết về mỹ phẩm thiên nhiên của mình cho từng nhân viên bán hàng, cũng như chăm sóc tốt dịch vụ của mảng online.
Bài toán lớn từ nguồn nguyên liệu
Khi đã gia nhập ngành thành công, biên lợi nhuận của hoạt động sản xuất mỹ phẩm là khá hấp dẫn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt chỉ có thể duy trì ở quy mô nhỏ với số lượng ít các dòng sản phẩm nhất định. Bên cạnh những hạn chế về nguồn lực, trình độ quản trị..., một trong những khó khăn của doanh nghiệp nội là công nghệ sản xuất phải nhập khẩu với thuế suất cao, vùng nguyên liệu không ổn định.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam, cho biết trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm Việt Nam 6 tỉ USD năm 2017, chỉ có 5% là thuộc về doanh nghiệp nội. Nhiều sản phẩm thiên nhiên như nghệ, mủ trôm, nha đam, dừa... được xem là nguyên liệu quý trong xu hướng sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên, nhưng doanh nghiệp nội chỉ mới sản xuất nguyên liệu thô, chưa chiết xuất tinh chất để tạo ra dòng mỹ phẩm cao cấp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, cho biết Công ty đang phải cố gắng tìm thêm vùng để trồng dược liệu hữu cơ. Theo quan điểm của bà Liên, nếu không “ôm” cả việc tổ chức trồng, thu mua nguyên liệu thì Công ty rất khó đảm bảo có nguồn nguyên liệu ổn định. Hiện tại, hệ sinh thái dược mỹ phẩm Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt ở khâu của nhà cung cấp nguyên liệu.
Ảnh: Quý Hòa |
Nguồn dược liệu tự nhiên đã bị sụt giảm nghiêm trọng và không có khả năng khai thác ổn định, vùng trồng dược liệu thì chưa nhiều và đa phần chỉ mới trồng theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong khi đó, để vào thị trường quốc tế, cần phải theo tiêu chuẩn EU và USDA của Mỹ. Muốn được như vậy, các trang trại hợp tác phải được theo dõi, đánh giá, kiểm định chất lượng hằng năm.
“Chúng tôi từng đặt vấn đề về cung cấp nguyên liệu ở vài nơi nhưng không thành công, ví dụ chỉ có Sơn La cấp cho một mảnh đất... để mình tự trồng theo tiêu chuẩn quốc tế chứ không công ty nào theo”, bà Liên nói. Thi thoảng do may mắn, bà mới tìm được những startup nông nghiệp muốn bước vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Chẳng hạn, qua một phiên chợ, tôi có mua được tinh dầu quýt của một startup Bắc Kạn. Tôi đặt hàng lâu dài lên tới cả tấn, nhưng trước mắt startup này cũng chỉ có thể cung cấp 30 kg”.
Có xuất phát điểm tương tự như Việt Nam, nhưng hiện nay Ấn Độ và Thái Lan đã có hàng trăm doanh nghiệp mỹ phẩm triệu đô, sản phẩm đa dạng từ chăm sóc tóc, da, cơ thể, mỹ phẩm trang điểm. Một phần là do các nước này đã phát triển được nguồn nguyên liệu khá ổn định.