Mỹ muốn có thêm hợp đồng hàng không với Việt Nam
Lần đầu tiên, ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng đặc trách Thương mại Quốc tế, Phòng thương mại Hoa Kỳ, đến Việt Nam dự Thượng đỉnh Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ vào ngày 10/9 và thực hiện một loạt các cuộc gặp gỡ đối tác nhằm rộng thị trường.
Thêm những hợp đồng lớn
Từ việc Boeing đã có 2 hợp đồng lớn với hai Hãng hàng không Bamboo và Vietjet của Việt Nam, ông Gilbert Kaplan, cho biết: “Chúng tôi chào đón những hợp đồng thương mại này, mong rằng những thoả thuận này sớm được hiện thực hóa”
Boeing và Bamboo đã ký kết ban đầu cho việc cung cấp 20 máy bay 7879 Dreamliners của Boeing với giá khoảng 5,6 tỉ USD hôm 26.6.2018, nhân chuyến thăm và làm việc tới Mỹ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Kế đó, Boeing và Vietjet, hôm 18.7, cũng đã ký bản ghi nhớ cho việc cung cấp bổ sung 100 máy bay Max có giá trị 12,7 tỉ USD.
Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Arilines đang có kế hoạch mở đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2019. Ông Gilbert Kaplan nói rằng “những chuyến bay thẳng này sẽ mang lại quan hệ hai nước gần nhau hơn”.
Phó chủ tịch phụ trách marketing của Bộ phận máy bay thương mại Boeing, ông Randy Tinseth, trước đó đã nói với NCĐT tại một họp báo về việc những máy bay thân rộng Boeing thế hệ 777x đầu tiên, sẽ được bàn giao đến khách hàng Việt Nam vào năm 2020.
Theo quan sát của ông Randy Tinseth Việt Nam đang chuyển dần từ các dòng máy bay thân rộng cỡ lớn sang các máy bay thân rộng cỡ nhỏ và hiệu quả hơn. Hiện nay, Boeing đã bán được 100 máy bay 737 cho Vietjet Air. Đơn hàng sẽ được giao vào năm 2020 và thời gian cụ thể sẽ do Vietjet Air ấn định.
Thêm nữa, Boeing sẽ sớm bàn giao cho Vietnam Airlines phiên bản mới máy bay 787, loại máy bay dẫn đầu phân khúc đường dài trên toàn thế giới, cung cấp 80% những chuyến bay xuyên Thái Bình Dương.
Theo Phó chủ tịch Marketing của Boeing, hiện Vietnam Airline chưa chốt thời gian giao hàng, nhưng hãng này đã có kế hoạch bổ sung đội bay cho các phiên bản mới của Boeing 787.
Thương mại hai chiều
Ông Gilbert Kaplan dẫn đánh giá của Viện Brooking về 88% của lực lượng trung lưu từ khu vực châu Á. Năm 2017, Hoa Kỳ đã xuất khẩu 400 tỉ USD tới châu Á, chiếm 30% tổng số xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Theo ông Gilbert Kaplan, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đang xu hướng giảm, từ vị trí thứ 6 năm 2016 đã tăng lên vị trí thứ 5 vào năm 2017, nhưng vẫn là mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với các nước Đông Nam Á.
Ông Gilbert Kaplan nói rằng những hoạt động thương mại hiện nay là “chưa đủ để phát triển thương mại hai chiều”. Ông nói "cần giải quyết những vấn đề cản trở phát triển thị trường của doanh nghiệp Mỹ để phát triển thương mại tự do, công bằng".
Vị Thứ trưởng của Phòng thương mại Hoa Kỳ cho biết một chương trình phát triển đang được Bộ Thương mại nước này thực hiện nhằm hợp tác với Việt Nam phát triển kinh tế, tập trung vào 4 lĩnh vực chính của ngành công nghiệp: hàng không; năng lượng; y tế; thành phố thông minh và thương mại số.
“Hai ngày tới, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ đối tác tại Việt Nam để bàn thảo về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thanh toán điện tử, ô tô, nông nghiệp và sở hữu trí tuệ. Hy vọng sẽ có tiến triển cụ thể, mở ra cơ hội mới vào những ngày gần đây”, ông Gilbert Kaplan nói.