vca.org.vn

 
Vân Nguyễn Thứ Ba | 19/02/2019 09:19

Mỹ mở cửa cho xoài tươi Việt Nam

Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu xoài sang Mỹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói.

Việc chính thức xuất khẩu xoài tươi sang Mỹ đã được Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS), công bố hôm 18.2.

Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, ông Hoàng Trung, cho biết, sản phẩm xoài của Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục để được phép xuất khẩu sang Mỹ thông qua Kế hoạch xử lý bằng chiếu xạ được ký kết.

    Theo thống kê chưa đầy đủ của các tổ chức chứng nhận VietGAP, đến nay đã có gần 1.900 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 81.500 ha, tăng 297 cơ sở (60.373 ha) so với năm 2017. Điều đó chứng tỏ ngành trồng trọt đang chuyển dịch theo hướng canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng.

Dù vậy, để xuất khẩu được xoài tươi vào thị trường Mỹ, ông Trung khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đáp ứng một số yêu cầu chính, như vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục bảo vệ thực vật và Văn phòng kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ cấp mã số để quản lý và truy xuất nguồn gốc.

Thêm nữa, mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý với liều tối thiểu 400 Gy và phải được Cục bảo vệ thực vật, Văn phòng kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Như vậy, những nút thắt về kỹ thuật đang được gỡ dần tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam bứt phá tại thị trường Mỹ, góp phần đảm bảo chỉ tiêu 21 tỷ USD về giá trị xuất khẩu của ngành Trồng trọt trong năm 2019.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, xoài là cây có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã không đủ nguyên liệu để đáp ứng đơn đặt hàng từ nước ngoài. Đến nay, diện tích trồng xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt 10.000 hec ta.

Dù vậy, hoạt động nhập khẩu các sản phẩm rau quả vào thị trường Mỹ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều quy định và đạo luật khác nhau như Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ); Đạo luật bảo vệ thực vật (PPA); Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA); Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm (FQPA) và một số quy định khác.

Trong đó, Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch của Mỹ giám sát tất cả các loại thực vật nhập khẩu, bao gồm cả hoa quả, nhằm phát hiện các loài xâm lấn, côn trùng, bệnh thực vật ngoại lai có nguy cơ cao đối với nông nghiệp và các cộng đồng tự nhiên ở Mỹ.

Do đó, sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ bắt buộc phải có giấy phép nhập khẩu thực vật, giấy phép bắt buộc đối với sinh vật và đất cũng như giấy phép thực vật và sản phẩm từ thực vật.