Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, chiếm 24,2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam sau một thời gian bị Trung Quốc qua mặt.

 
Trang Lê Thứ Năm | 27/12/2018 14:00

Mỹ lấy lại vị trí dẫn đầu nhập khẩu cá tra của Việt Nam

Năm 2018, trong khi kim ngạch xuất khẩu tôm suy giảm hơn 7%, thì xuất khẩu cá tra tăng trưởng ngoạn mục tới 26,4% kỷ lục với 2,26 tỉ USD.

Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%

Phân tích thị trường tiêu thụ cá tra năm nay cho thấy, Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, chiếm 24,2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam sau một thời gian bị Trung Quốc qua mặt.

Thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng 29,3%, chiếm 23,7% thị phần, đứng ở vị trí số 2. Thị trường EU đã hồi phục ấn tượng sau thời gian dài ảm đạm do ảnh hưởng truyền thông bôi nhọ. Tính đến hết năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU tăng 17,1% so với năm ngoái.

Nhìn lại thị trường Mỹ, liên tục 16 năm qua, cá tra Việt Nam đã phải chống chọi với các hàng rào vô lý được nước này dựng lên. Vào ngày 28.6.2002, Hiệp hội Chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đã đệ đơn kiện một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) là các sản phẩm cá tra và basa philê đông lạnh được bán thấp hơn giá trị hợp lý tại thị trường Mỹ, gây thiệt hại về vật chất cho sản xuất nội địa.

My lay lai vi tri dan dau nhap khau ca tra cua Viet Nam
 

Từ đó đến nay, liên tục các phán quyết áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam năm nào cũng được Mỹ đưa ra. "Năm 2018, chúng ta đã đón các đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến kiểm tra tại Việt Nam. Sau quá trình kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ đã minh chứng cho thế giới thấy chất lượng của cá tra Việt Nam. 

Đồng thời, thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, một số doanh nghiệp có thuế suất 0% đã giúp thị trường quan trọng này tăng trưởng vượt bậc", ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.(chia sẻ trên thuongtruong.vn)

Cũng theo ông Oai, diện tích nuôi cá tra năm 2018 đạt 5.400 ha, tăng 3,3%; sản lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Năm 2018, xuất khẩu cá tra có sự phát triển ngoạn mục, từ kim ngạch 1,78 tỉ USD năm 2017 bật lên đạt mức kỷ lục 2,26 tỉ USD. Trong khi suốt 5 năm qua, xuất khẩu cá tra chỉ loanh quanh ở vùng 1,5-1,8 tỉ USD.  

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc đối với cá tra có được là nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, cá tra ở mức giá cao. Một phần quan trọng là các doanh nghiệp cá tra đã ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường.

My lay lai vi tri dan dau nhap khau ca tra cua Viet Nam
 

Vì sao Mỹ lấy lại được “ngôi vương”?

Sau tháng 10.2018, khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 38% so với tháng trước và tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2017 thì bước sang tháng 11.2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tiếp tục tăng thêm 5,2% so với tháng trước.

Mức tăng trưởng liên tục khả quan này đã giúp Mỹ lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. Đây là dấu hiệu rất tích cực đối với xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong năm 2018. VASEP dự báo, mức tăng trưởng còn tiếp tục trong tháng còn lại của năm 2018.

Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có sự tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ nhu cầu thị trường ổn định và giá bán cá tra tăng lên đáng kể. Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đang ngày càng rõ nét hơn khi ngành này cùng lúc nhận được hai tin vui trong tháng 9.2018. 

Đó là việc Cục kiểm tra An toàn thực phẩm Mỹ đề xuất dự thảo lấy ý kiến công nhận hệ thống kiểm tra cá Siluriformes (bộ cá da trơn, bao gồm cá tra, ba sa…) ở Việt Nam tương đương với hệ thống của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Mỹ. 

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 đến 31.7.2017, với mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg. 

Thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR13 (3,87 USD/kg). Dù mới là kết quả sơ bộ, song đây được xem là tín hiệu tích cực với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. 

Thêm vào đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cho nhiều doanh nghiệp cá tra nhìn thấy cơ hội có thể đẩy mạnh thêm xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu ổn định và giá xuất khẩu tốt.