Mỹ kết luận thép Việt Nam trốn thuế là không tuân thủ quy định WTO
Ngày 5/12/2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra Quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD), và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
DOC sơ bộ khẳng định, phía Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với 2 sản phẩm thép, cụ thể là các sản phẩm thép này được nhập khẩu từ Trung Quốc qua Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16/2 năm nay.
Sau quyết định này của DOC, Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Mỹ. Trong đó, Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định, việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự "chuyển đổi đáng kể" như Bộ Thương mại Mỹ đã từng kết luận trước đây và vì vậy, “không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế” như Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc.
Sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ của Việt Nam có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản. (Ảnh minh họa: KT) |
Phía Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, động thái này của Mỹ là nhằm bảo hộ sản xuất trong nước và đẩy ngành thép Việt Nam vào thế khó. Nếu như Quyết định áp thuế được giữ nguyên, ngành thép Việt Nam sẽ chịu thiệt hại rất lớn do Mỹ sẽ mở rộng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với Trung Quốc lần lượt với mức thuế suất 199,43% và 39,05% sang đối với tôn mạ kẽm Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng và cán nguội của Trung Quốc.
Và như vậy, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã xuất khẩu tôn mạ kẽm sản xuất từ thép cán nóng và cán nguội Trung Quốc, kể từ ngày 4/11/2016 sẽ phải nộp thay các nhà nhập khẩu Mỹ một khoản thuế rất lớn tương đương 238,48% giá trị xuất khẩu nhằm giữ khách hàng và thị trường.
Trước tình thế này, Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thép, thông qua việc phản đối các hành vi không phù hợp với pháp luật quốc tế của Mỹ; đề nghị DOC tuân thủ các quy định của WTO cũng như luật pháp Mỹ trong giai đoạn cuối, trước khi ban hành quyết định chính thức về vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.
“Trong trường hợp DOC không thay đổi quan điểm trong kết luận cuối cùng về vụ việc này, Hiệp hội thép sẽ kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO”, phía Hiệp hội Thép khẳng định.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản,… tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể trong quá trình sản xuất, không phải chỉ gia công sơ bộ để xuất khẩu sang Mỹ.
“Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi vi phạm cam kết quốc tế, trong các cuộc điều tra chống phòng vệ thương mại trong tương lai, thông qua các thiết chế quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”, Chủ tịch VSA nêu rõ.
Ông Dũng cũng cho rằng, kết luận trong vụ điều tra này sẽ tạo tiền lệ xấu bởi hiện nay nguồn thép cán nóng của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ một số quốc gia đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cán nguội và tôn mạ kẽm như Đài Loan, Hàn Quốc.
Do đó, trong trường hợp ngành thép Mỹ tiếp tục khởi kiện các vụ việc lẩn tránh khác, nó sẽ tạo ra áp lực tìm nguồn cung thép cán nóng đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn thị trường của 2 sản phẩm trên tại Mỹ.
Thời gian qua, các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thường xuyên gặp phải các rào cản thương mại tại thị trường này, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. DOC đã liên tiếp khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam từ năm 2016.
Cũng theo báo cáo của VSA, năm 2016, sản phẩm thép cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nói riêng của Việt Nam sang Mỹ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt là 530% và 658% so với năm 2015. Điều này một phần là do trước đó Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với 2 sản phẩm trên nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do đó, các doanh nghiệp của Mỹ đã tìm kiếm những nhà cung cấp mới và nắm bắt cơ hội đó, các DN Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường này nên sản lượng xuất khẩu tăng đột biến.