Mỹ điều tra đinh thép Việt Nam
Quyết định này được DOC đưa ra hôm 18-6, tức 20 ngày sau khi cơ quan này nhận được đơn kiện từ công ty Mid Continent Steel & Wire, Inc., một nhà sản xuất đinh thép của Mỹ. Các nước và lãnh thổ bị điều tra gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Ô-man, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Việt Nam.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, biên độ phá giá bị cáo buộc đối với đinh thép nhập khẩu từ Việt Nam lên đến 323,99%, mức trợ cấp ước tính là trên mức tối thiểu (tức không có mức % cụ thể - PV).
Trước đó, theo đơn kiện của công ty Mỹ, biên độ phá giá trung bình đối với Việt Nam là 115,29%. Ngoài ra, bị đơn cũng nêu rõ cụ thể tên của 15 công ty tại Việt Nam đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ sản phẩm đinh thép với số lượng lớn.
Dự kiến, chậm nhất vào ngày 14-7, Ủy ban Thương mại Mỹ (ITC) sẽ ra quyết định sơ bộ về thiệt hại mà sản phẩm nhập khẩu gây ra đối với ngành sản xuất đinh thép của Mỹ. Nếu ITC khẳng định có dấu hiệu cho thấy hàng hóa nhập khẩu từ các nước trên gây thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ, vụ kiện sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, nếu quyết định sơ bộ của ITC khẳng định không có tình trạng gây thiệt hại, vụ việc sẽ chấm dứt.
Cục Quản lý cạnh tranh hôm 20-6 dẫn số liệu của hải quan Mỹ cho biết, trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đinh thép sang Mỹ với kim ngạch khoảng 34,7 triệu đô la Mỹ với tổng khối lượng 39 ngàn tấn, chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch đinh thép mà nước này nhập khẩu.
Theo đó, đây là vụ kiện và điều tra kép thứ tư của Mỹ (vừa CBPG vừa CTC) vào sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, sau túi nhựa P.E., ống thép hàn các-bon và mắc áo thép. Nếu bị áp cùng lúc hai mức thuế phạt này, sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu mức thuế khá cao, và xem như mất cơ hội cạnh tranh tại thị trường này.
Tính từ năm 2011, đây là sản phẩm thép thứ năm của Việt Nam bị kiện tại thị trường Mỹ. Trước đó là các mặt hàng ống thép hàn chịu lực không gỉ, ống thép hàn cacbon, mắc áo bằng thép, ống thép dẫn dầu.
Nguồn thesaigontimes