Ảnh: openstock.vn
Mỹ áp thuế 456% lên thép Việt: Formosa sẽ được hưởng lợi?
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) được đưa sang Việt Nam, sau đó qua công đoạn gia công đơn giản rồi mới xuất khẩu sang Mỹ.
Thép cán nguội sẽ hết đường vào Mỹ?
Trước thông tin này, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam lo ngại, trong 10 tháng đầu năm 2019 giá trị xuất khẩu thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 260 triệu USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam sau Asean. Do đó, nếu áp thuế lên hơn 456%, cửa vào thị trường Mỹ của sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sẽ hoàn toàn bị “đóng lại”. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành thép sẽ gặp khó. Nguyên nhân là do với mức thuế khủng đó, không có nhà nhập khẩu nào dám mua hàng từ Việt Nam. Trong khi đó, với các sản phẩm thép khác, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, việc áp thuế sẽ không có nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép Việt.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, quyết định áp thuế của Hoa Kỳ cũng không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước. Năm 2018, Mỹ cũng đã áp mức thuế trên 200% với thép Việt có nguồn gốc từ Đài Loan và Hàn Quốc, song Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam. Ảnh: VSA |
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát cho biết, hiện doanh nghiệp chưa xuất khẩu tháp cán nguội và thép không gỉ vào Mỹ. Do đó, quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của công ty.
Cũng theo Tập đoàn Hòa Phát, về mặt tổng thể, tập đoàn này không xuất khẩu quá nhiều, cũng như chính sách "không bỏ trứng vào một giỏ". Do vậy, tỷ lệ xuất khẩu của Hòa Phát là không lớn.
Đối với CTCP Thép Nam Kim, mặc dù thị trường Mỹ chiếm 10% sản lượng xuất khẩu, song ông Võ Hoàng Vũ, CEO Thép Nam Kim, khẳng định, công ty sẽ không bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Theo ông Vũ, hiện các giao dịch bán hàng đi Mỹ vẫn tiến hành bình thường. “Năm 2019, Nam Kim vẫn sẽ duy trì việc xuất khẩu và giữ vững thị trường Mỹ. Hiện nay chúng tôi đã có những hợp đồng xuất khẩu đi Mỹ cho quý I/2020”, CEO Võ Hoàng Vũ cho biết thêm.
Fomrmosa sẽ được hưởng lợi?
Trước đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, việc áp thuế chống bán phá giá lên tới 456% đối với thép việt có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Đài Loan không gây nhiều tác động tiêu cực nhiều đến ngành thép Việt Nam. "Trong ngắn hạn, có thể một số đơn hàng đã chốt sử dụng nguyên liệu xuất xứ Hàn Quốc/Đài Loan bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong dài hạn, các doanh nghiệp sử dụng thép nền là thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ hai quốc gia này có thể chuyển sang sử dụng thép của Formosa Hà Tĩnh (FHS). Như vậy có thể nói FHS hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định áp thuế này”, VDSC nhận định.
Việt Nam là nước tiêu thu thép lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Asia.nikkei.com |
Năm 2017, Formosa đã sản xuất được hơn 1,3 triệu tấn thép cuộn cán nóng, con số này đã tăng lên 3,4 triệu tấn trong năm 2018 và dự kiến đạt 4,5 triệu tấn trong năm 2019. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà sản xuất thép Việt nam.
Trong khi đó, sang năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến bắt đầu sản xuất HRC. Hai nhà sản xuất này khi chạy đủ công suất có thể đáp ứng nhu cầu HRC nội địa, việc nhập khẩu HRC có thể sẽ giảm về mức tối thiểu. Đồng thời, cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khắt khe như Mỹ cũng sẽ rộng mở hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép các loại vào Việt Nam có xu hướng giảm. Trong năm 2018, trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu 1,1 triệu tấn sắt thép các loại, thấp hơn 12% so với 2017 và thấp hơn 27% so với 2016. Điều này cho thấy, ngành sản xuất thép trong nước phát triển mạnh về cả bề rộng (quy mô) và chiều sâu (chuỗi sản xuất).
Trong 4 năm 2015-2018, ngành sản xuất thép xây dựng, ống thép và tôn mạ đã tăng lần lượt 51%, 69% và 40%. Sản lượng thép cán nóng tăng 29 lần trong giai đoạn 2015-2018 là minh chứng rõ nhất của phát triển chiều sâu của ngành thép nội địa. Trong tương lai, nhập khẩu thép sẽ còn tiếp tục giảm khi Việt Nam tiến tới tự chủ hoàn toàn nguồn cung thép cán nóng khi hai lò cao của Formosa cũng như dự án thép cán nóng của HPG đi vào hoạt động.
►Cơn lũ thép giá rẻ Trung Quốc sẽ lại tràn vào Việt Nam?