Mượn danh né thuế: Một kiểu FDI biến tướng
Tháng 5.2015, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã ra thông báo tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Được biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 28.800 tấn, trị giá khoảng 13 triệu USD. Việt Nam cũng xếp thứ 2 trong số các quốc gia xuất khẩu gỗ dán sang Ấn Độ.
Trước đó, vào năm 2010, Công ty Sản xuất Mắc áo Angang và Công ty Quốc tế Quyky Yanglei đang hoạt động tại Việt Nam cũng bị Công ty Vorys, đại diện cho ngành sản xuất mắc áo Mỹ, yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra về hành vi lẩn tránh thuế. Có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất thị trường bởi những hành vi của doanh nghiệp FDI vi phạm trên thị trường thế giới.
Bị vạ lây
Hiện nay, Việt Nam đã bị một số nước điều tra do nghi ngờ về việc sản phẩm của Trung Quốc được đưa đến Việt Nam và sau đó xuất sang nước thứ 3 nhằm né thuế chống bán phá giá. Các doanh nghiệp FDI này vào Việt Nam nhưng không đầu tư dây chuyền sản xuất mà chủ yếu nhập khẩu sản phẩm, thực hiện một số gia công đơn giản rồi xuất sang nước khác để tránh thuế chống bán phá giá.
Ví dụ, gần đây, Brazil đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nguyên liệu, giày dép xuất xứ từ Trung Quốc với thuế suất lên đến 250%. Lúc này, doanh nghiệp Trung Quốc bằng nhiều thủ thuật đầu tư đã nhập giày dép vào Việt Nam, thực hiện một số thao tác đơn giản rồi xuất sang nước thứ 3. Kết quả là giày dép của Việt Nam vào thị trường Brazil cũng phải chịu mức thuế suất 250%. Đồng thời, Brazil cũng mở cuộc điều tra để xác định tình trạng giày dép từ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam rồi xuất vào Brazil nhằm tránh thuế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng khi một nước nào đó đánh thuế chống bán phá giá lên mặt hàng nào của Trung Quốc, thì sau đó Việt Nam cũng sẽ bị áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng đó, hoặc bị nghi ngờ tránh thuế.
Trước đây, xe đạp Việt Nam xuất sang Liên minh châu Âu (EU) cũng rơi vào tình trạng này. May mắn là EU đã thông báo bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp của Việt Nam. Trong khi đó, thuế này vẫn áp với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Mức thuế trung bình đối với xe đạp Trung Quốc vào EU là 48,5%.
Tín hiệu này đã mang lại cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất xe đạp Việt Nam, giúp họ có thể phục hồi xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, Cục Quản lý Cạnh tranh lại cảnh báo rằng nếu không có chiến lược đúng đắn và cẩn trọng, xe đạp Việt Nam có thể lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ EU áp thuế.
Vì thế, các doanh nghiệp cần có biện pháp kịp thời bảo vệ lợi thế đang có. Ngoài ra, cần ngăn việc chuyển bất hợp pháp xe đạp từ nước khác, nhất là Trung Quốc, vào Việt Nam để xuất khẩu đi EU nhằm hưởng chênh lệch thuế chống bán phá giá.
Hiện có 3 dạng hành vi lẩn tránh thuế xếp theo mức độ nguy hiểm giảm dần. Thứ nhất là làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam để hưởng chênh lệch thuế chống bán phá giá. Thứ 2 là nhập khẩu hàng hóa nguyên kiện vào Việt Nam, sau đó đóng gói “Made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam để hưởng mức thuế thấp. Thứ 3 là đầu tư FDI với nhà máy đơn giản, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh phụ kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam, rồi xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam dù chưa đủ tiêu chuẩn về giá trị gia tăng để xuất khẩu.
Nguy cơ bị kiện
Có những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không nhằm mục đích mở rộng thị trường, mà chỉ nhằm mục đích tránh thuế. Điển hình như vụ việc Công ty Sản xuất Mắc áo Angang và Công ty Quốc tế Quyky Yanglei đã nêu.
Theo cáo buộc, mắc áo bằng thép của 2 doanh nghiệp này được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó gia công lắp ráp đơn giản tại Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ. Tất cả chỉ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ đang áp cho mặt hàng tương tự của Trung Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Sản xuất Mắc áo Angang và Công ty Quốc tế Quyky Yanglei là công ty con của 2 công ty Trung Quốc vốn đang bị áp thuế chống bán phá giá. Trước đây, trong vụ kiện chống bán phá giá móc áo Trung Quốc vào thị trường Mỹ, cả 2 công ty Trung Quốc này đều là bị đơn bắt buộc (doanh nghiệp chiếm thị phần lớn xuất khẩu móc áo vào Mỹ). Khi thua kiện, họ đã đầu tư sang Việt Nam, thành lập 2 doanh nghiệp trên để xuất khẩu móc áo qua Mỹ nhằm tránh mức thuế suất 170% do “Made in China”.
Vụ việc tuy đã sáng tỏ, nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành sản xuất mắc áo của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị cáo buộc “đồng lõa” với doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện hành vi tránh thuế.
Rõ ràng, hiện tượng các nhà đầu tư FDI hoạt động chủ yếu nhằm mục đích tránh thuế có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề này còn tạo tiền lệ xấu khi cơ quan điều tra của nước ngoài mở rộng điều tra cả Việt Nam.
Trước làn sóng thu hút FDI ngày càng tăng, hàng xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp. Trước kia, các sản phẩm bị kiện chống bán phá giá và trợ cấp của Việt Nam thường là những sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn, đem lại giá trị gia tăng cao như tôm, cá, da giày... Còn những vụ kiện gần đây lại chủ yếu là những mặt hàng có kim ngạch nhỏ, hay những sản phẩm của doanh nghiệp FDI. Dấu hiệu này cho thấy có nhiều khả năng nguyên nhân của những vụ kiện chống bán phá giá xuất phát từ hành vi lẩn tránh thuế của doanh nghiệp FDI.
Nhằm đối phó với tình trạng này, các cơ quan quản lý cần mau chóng vào cuộc. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng phải hợp tác và cẩn trọng với các doanh nghiệp FDI. Không thể vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng tới uy tín của cả nền kinh tế trên thị trường quốc tế.
Đình Bắc