Mức tiêu thụ gia tăng đang làm cạn kiện tài nguyên thiên nhiên
Xu hướng này báo hiệu mức độ tiêu thụ gia tăng đang làm cạn kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo của thế giới.
Ông Achim Steiner, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành UNEP, nhấn mạnh việc gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, và nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và thu nhập.
Theo ông Steiner, cải thiện đáng kể về năng suất là một yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giúp đưa khoảng một tỷ người thoát khỏi đói nghèo, đồng thời có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết phục vụ cho nhu cầu của 9 tỷ người vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải xem xét lại ngay lập tức tình hình thực tiễn hiện nay, hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ, tài chính và xã hội.
Công nghệ tiên tiến có thể giúp giảm 40% mức sử dụng năng lượng trong các hoạt động chế tạo, luyện kim đối với các kim loại như kẽm, thiếc, đồng. Nhu cầu năng lượng có thể giảm 50-80% thông qua việc cải thiện hiệu quả các hệ thống sản xuất và tiện ích. Các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp, khách sạn, công nghiệp và giao thông vận tải có thể tiết kiệm năng lượng và nước tới 60-80% nếu có khả năng thương mại hợp lý. Những chính sách thay đổi như vậy có thể mang lại sự ổn định và lợi ích kinh tế lâu dài. Bằng cách áp dụng các công nghệ mới ít tiêu thụ tài nguyên, các nước đang phát triển có thể làm giảm mức tăng nhu cầu năng lượng hàng năm từ 3,4% xuống 1,4% trong 12 năm tới, trong khi vẫn đạt được mục tiêu phát triển.
Báo cáo của UNEP được xây dựng dựa trên một nghiên cứu trước đó, trong đó cảnh báo rằng mô hình tiêu thụ của các quốc gia phát triển cùng với việc gia tăng dân số và thu nhập sẽ đưa mức tiêu thụ trung bình mỗi năm của nhân loại lên đến 140 tỷ tấn khoáng sản, quặng, nhiên liệu hóa thạch và sinh khối vào năm 2050, trừ phi tăng trưởng kinh tế không kéo theo sự gia tăng nhu cầu. Con số trên gấp ba lần so với mức tiêu thụ hồi năm 2000 và nhiều khả năng vượt quá tất cả các nguồn lực sẵn có hiện tại cùng với các giới hạn của hành tinh này để hấp thụ các tác động của việc khai thác và sử dụng.
Nguồn VnPlus