Mục tiêu kinh tế tăng trưởng hợp lý trong 2012 chưa đạt
Nhận định về tình hình kinh tế năm 2012, một số người tỏ ra khá bi quan. Với tư cách là chuyên gia kinh tế, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Năm 2012, Quốc hội đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Nhìn lại nền kinh tế gần 12 tháng qua, có thể thấy, tỷ giá ổn định; bội chi ngân sách, nợ công, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mục tiêu; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu vượt mục tiêu đặt ra.
Với kết quả đó, có thể khẳng định, Chính phủ đã thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, theo nhiều dự báo, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 này khó có thể vượt 1%, nên CPI năm nay khó vượt mức 8% (11 tháng đầu năm mới tăng 6,52%). Như vậy, cũng có thể nói, Chính phủ hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Nhưng theo tôi, mục tiêu duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý chưa đạt. Lý do là, chúng ta còn nhiều dư địa để có thể GDP tăng trưởng cao hơn. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai việc phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, thẩm định dự án đầu tư ngay từ đầu năm, thì tăng trưởng GDP năm 2012 có khả năng cao hơn mức 5,2%.
Và đây chính là bài học khi triển khai kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013, thưa ông?
Đây chỉ là một trong những bài học kinh nghiệm để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013. Rút kinh nghiệm năm 2012 và những năm trước đó, bắt tay vào triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013; hạn chế khởi công mới các công trình, dự án, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.
Thế còn các bài học khác, thì sao?
Còn nhớ, năm 2007, Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường một lượng VND khổng lồ để mua vào 8 tỷ USD, nhằm tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá. Kết quả, dự trữ ngoại hối tăng, nhưng tỷ giá vẫn không thực sự ổn định và để lại hậu quả là, CPI năm 2007 tăng 12,63% và năm 2008 tăng 19,89%, khiến lòng tin của người dân vào VND bị suy giảm, thu nhập thực tế của người dân giảm. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ ra hơn 200.000 tỷ đồng để mua vào 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng lạm phát đã không xảy ra, niềm tin vào VND được duy trì. Đây là một trong những bài học quý giá cho điều hành kinh tế năm 2013.
Bài học quý báu nữa là, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nước ta nhiều khả năng vẫn tăng 18% so với năm 2011, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân ước đạt 11 tỷ USD, nguồn kiều hối chuyển về nước ước đạt 10 - 11 tỷ USD… Kết quả này có được là do Chính phủ và các bộ, ngành đã điều hành nền kinh tế kịp thời và linh hoạt.
Ngoài việc tiếp tục vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu đã được kiểm chứng, theo ông, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013 cần phải triển khai ngay nhiệm vụ nào nữa?
Năm 2013 được coi là năm bản lề thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, nhưng đáng tiếc, nhiệm vụ xương sống của cả giai đoạn này là thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế triển khai quá chậm.
Cũng phải nói thêm rằng, Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã được Quốc hội thông qua từ tháng 5/2012 tại Kỳ họp thứ 3 và trước đó, vào tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán, nhưng đến nay, Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa được phê duyệt, Đề án Tái cơ cấu ngân hàng thương mại và Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán vẫn trong giai đoạn khởi động.
Để tạo nền tảng phát triển kinh tế vững chắc hơn cho những năm tiếp theo như mục tiêu đặt ra, tôi cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần khẩn trương hoàn thành và triển khai đề án tái cơ cấu ngay sau khi được phê duyệt, xác định rõ và công khai mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Ngoài ra, phải phân công cụ thể bộ, ngành nào chịu trách nhiệm trực tiếp, tổng thể và theo dõi tiến độ thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án thành phần của các bộ, ngành, địa phương.
Nguồn Báo Đầu tư