Ảnh: QH
Mục tiêu 42 tỉ USD tuột khỏi tầm tay dệt may?
Đến thời điểm này, nguồn cung nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc đã được khơi thông, nhưng một số nhà mua hàng của Mỹ đề nghị tạm ngừng sản xuất và giao các đơn hàng đã đặt trước đến ngày 27.3, trong khi một số nhà mua của EU cũng thông báo tạm đóng cửa 1 tháng, kể từ ngày 16.3. Đây thực sự là một đòn đánh mạnh lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty May 10. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10, cho biết: “Thiệt hại sẽ rất lớn và có nguy cơ phải cho công nhân nghỉ việc”. Dù vậy, May 10 chưa thể công bố một phương án cụ thể cho tình huống này, ông Việt lo “người lao động sẽ hoang mang”.
Các nhà mua Mỹ và EU gồm Đức, Tây Ban Nha và Ý cũng chính thức tạm ngừng nhập sản phẩm của Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean), lần lượt từ ngày 13.3 và 17.3. Theo tính toán của ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch VitaJean, có 3 thiệt hại ban đầu khi các nhà mua này tạm ngừng nhận hàng. Thứ nhất, đọng vốn do tồn kho toàn bộ vật tư đã mua để sản xuất các đơn hàng giao trong tháng 4 và 5. Thứ 2, dòng tiền có thể không về do các nhà mua châu Âu và Mỹ gặp khó khăn suy giảm sức mua. Thứ 3, nguồn tiền trả lương chờ việc cho người lao động.
Những nỗ lực sau cùng, chuyển sang may khẩu trang vải, cũng không giúp VitaJean cải thiện được doanh số. Thậm chí, việc bán hết 500.000 chiếc khẩu trang vải/ngày của công ty này hiện nay cũng trở nên khó khăn khi hơn 20 nhà sản xuất lớn cùng làm khẩu trang để phục vụ nhu cầu trong nước.
Các nhà xuất khẩu dệt may vào Mỹ và EU đang chịu tác động kép, khi dịch COVID-19 làm suy giảm sức mua và các nhà mua hàng tạm ngừng nhận sản phẩm. Điều này, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của Vinatex. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Vinatex ước đạt 2,9 tỉ USD, nhưng với tình hình hiện nay, rất khó duy trì mức kim ngạch này cho năm 2020 do số lượng đơn hàng tạm ngừng đến nay đã tương đương năng lực sản xuất trong nửa tháng của nhiều đơn vị thuộc Vinatex, chiếm khoảng 3-3,5% sản lượng cả năm 2020.
Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 42 tỉ USD cho năm 2020 có nguy cơ tuột khỏi tầm tay, khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm mạnh. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng dệt và may mặc chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,8%). Sự suy giảm này đến từ các thị trường chính như Mỹ và EU, cùng tác động tiêu cực từ Trung Quốc, thị trường cung ứng 70% nguyên liệu đầu vào. Xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn duy trì tương đối tốt sản lượng vào thị trường châu Á, trong đó Nhật là chủ chốt.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty May Sài Gòn 3, cho biết động thái của các nhà mua hàng Mỹ và EU không tác động nhiều do thị trường xuất khẩu chính của Công ty là Nhật. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu của May Sài Gòn 3 vào Mỹ và EU vẫn tương đối ổn định, đơn hàng cho tháng 3 và 4 có chịu tác động, song mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài, cùng sức mua suy giảm mạnh trên các thị trường xuất khẩu chính, dẫn đến khả năng một lượng lớn nhân công hơn 1,5 triệu lao động ngành này bị đẩy ra ngoài chuỗi sản xuất. Trong khi Vinatex tính đến phương án giảm số ngày làm việc trong tuần của người lao động và đảm bảo mức lương tối thiểu theo luật định, thì VitaJean buộc phải cho 50% công nhân nghỉ chờ việc kể từ ngày 5.4 và tỉ lệ này có thể lên tới 80% vào ngày 15.4.
“Nếu cho người lao động nghỉ việc ngay, cấu trúc sản xuất bị phá vỡ, doanh nghiệp mất nhân công để sản xuất trở lại sau dịch, trong khi Nhà nước sẽ phải chi một khoản rất lớn cho trợ cấp thất nghiệp”, ông Việt nói. Tuy nhiên, phương án trả lương chờ việc của các doanh nghiệp dệt may cũng không dễ thực hiện. Đơn cử, với quy mô gần 1.000 lao động hiện nay, VitaJean sẽ phải cần tới 5 tỉ đồng/tháng để trả lương tối thiểu 2 triệu đồng/người/tháng. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là “vay được tiền ngân hàng để trả lương chờ việc cho người lao động”, theo ông Việt, trong khi dòng tiền từ Mỹ và EU đang bị chặn lại, thậm chí có thể không được thanh toán sau dịch nếu nhà mua phá sản. Nguồn tiền hiện có chỉ đủ cho Công ty cầm cự trong 3 tháng tới. Nếu dịch kéo dài 4-6 tháng, VitaJean sẽ rơi vào thế khó.
Với độ mở cao của nền kinh tế, Việt Nam dự kiến cũng phải chịu tác động ở những mức độ khác nhau về tăng trưởng kinh tế và việc làm. “Khoảng 80% doanh nghiệp sẽ phá sản nếu đại dịch kéo dài đến tháng 6 tới”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, dẫn kết quả điều tra mới nhất với 1.200 doanh nghiệp tư nhân. Con số này có thể mang tính đại diện nhưng cho thấy vấn đề quan trọng nhất hiện nay là dập dịch và duy trì sản xuất kinh doanh.
“Dư địa vẫn còn, nước ta có thể sẽ tung gói kích cầu, khi cần”, ông Thành nói. Ông phân tích, đến nay, Việt Nam chưa nới lỏng tài khóa nhiều, mới chỉ hạ lãi suất điều hành xuống mức thấp hơn và chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt do lạm phát chưa thấp, dù giá dầu giảm khá mạnh. Thời điểm này, nếu Việt Nam nới rộng hơn chính sách tiền tệ để duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng sẽ không gây tác động lớn, vì độ nhạy của sản xuất kinh doanh đối với chính sách tiền tệ thường chậm.
Với việc châu Âu quyết liệt hơn trong nỗ lực dập dịch, ngành dệt may hy vọng sẽ sớm lấy lại đà sản xuất và xuất khẩu trong quý II. Muốn vậy, theo ông Việt, các doanh nghiệp cần những hỗ trợ đủ mạnh của Chính phủ, từ khoanh và giãn nợ các khoản vay cũ, giảm lãi suất các khoản vay mới xuống mức sâu hơn, đến miễn các khoản bảo hiểm trong thời gian nhất định, miễn phí công đoàn và các loại phí khác.