Mức tăng tiền gửi dân cư gấp hơn 4 lần dư nợ tín dụng
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 9 chiếm 35%, tăng 1,1% so với cuối tháng 8 và tăng 3,19% so với cuối năm 2011. Tiền gửi của dân cư chiếm 65%, tăng 3,3% so với cuối tháng trước và tăng tới 24% so với cuối năm 2011. Đây là tháng tiền gửi của dân cư tăng mạnh nhất trong 4 tháng gần đây.
Như vậy, trong năm 2012, tổng tiền gửi của dân cư tăng vượt trội so với so với năm 2011 (năm 2011, tiền gửi của khách hàng ước tăng gần 10%). Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế bắt đầu tăng mạnh trở lại từ tháng 7 tới nay. Trước đó, trong tháng 4, 5 và 6, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đều giảm.
Tính riêng quý III, tổng tiền gửi thanh toán tăng hơn 102,2 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 3%. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng gần 42 nghìn tỷ đồng (tăng 3,7%), tiền gửi của dân cư tăng 88,3 nghìn tỷ đồng (tăng 5,8%).
Trong khi tiền gửi tăng mạnh thì tín dụng với nền kinh tế tiếp tục tăng thấp. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ với nền kinh tế cuối tháng 9 đạt 2.915,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng 8 và tăng 2,52% so với cuối năm 2011.
Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng mạnh nhất (9 tháng tăng 17%); tín dụng với công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, chủ yếu do tăng từ lĩnh vực xây dựng. Tín dụng với hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông hết tháng 9 giảm tới 6,4% so với cuối năm trước.
Tín dụng tập trung hơn vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi lại giảm dần vào lĩnh vực thương mại, vận tải và viễn thông.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, tổng tiền gửi của dân cư tăng hơn 311 nghìn tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng chỉ tăng gần 71,7 nghìn tỷ đồng. Tính ra, mức tăng tiền gửi dân cư gấp hơn 4 lần mức tăng dư nợ tín dụng.
Sự lệch pha giữa mức tăng tiền gửi và tín dụng là điều đặc biệt của năm 2012. Năm 2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 9,9%, còn tín dụng cũng tăng 10,9%. Việc các tổ chức tín dụng không cho vay ra được là nguyên nhân khiến thanh khoản của các ngân hàng dư thừa. Trong bối cảnh vẫn phải trả lãi cho các khoản tiền gửi, tổ chức tín dụng tìm cách đầu tư vào trái phiếu để thu lợi nhuận, bên cạnh việc mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
11 tháng đầu năm, 36 tổ chức tín dụng, 17 công ty chứng khoán và quỹ đầu tư mua tới 130.118 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc, bằng 185% so với cả năm 2011.
Nguồn Khampha