Minh Đức Thứ Năm | 12/07/2018 16:47

Mua sắm bằng giọng nói: Thị trường 40 tỷ USD hằng năm

Phương thức mua sắm bằng giọng nói thông qua những chiếc loa thông minh được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, thu hút người tiêu dùng.

Big Tech đang phá hủy thị trường bán lẻ?

Cơn "ác mộng" Amazon


Mua sắm bằng giọng nói lên ngôi trong ngành bán lẻ

Ước tính, phương thức mua sắm bằng giọng nói sẽ mang lại doanh thu tới 40 tỷ USD hằng năm, chỉ tính riêng tại Mỹ vào năm 2022.

Mua sắm bằng giọng nói thông qua những chiếc loa thông minh được xem là một bước đột phá trong phương thức mua hàng. Nhờ nó, người tiêu dùng hiện chỉ cần ra lệnh cho những chiếc loa nằm sẵn đâu đó trong nhà, trong xe hơi như Amazon Echo hay Google Home để tìm hiểu thông tin, chọn hàng, mua và trả tiền.

Nghiên cứu của Capgemini dự báo, cứ 3 món đồ được người Mỹ mua trong năm nay thì có 1 món được mua từ những thiết bị hỗ trợ giọng nói. Nhờ vậy, giá trị mua sắm thông qua loa thông minh cũng sẽ tăng từ 2 tỷ USD lên 40 tỷ USD vào năm 2022.

Hiện thị trường loa thông minh hỗ trợ giọng nói được 3 ông lớn: Google, Amazon và Microsoft thống trị, trong đó Amazon dường như đang lấn lướt hơn với trợ lý ảo Alexa của mình.

Hiện nhiều chuỗi bán lẻ lớn tại Mỹ như Walmart, chuỗi cửa hàng Pizza Domino đã bắt tay với các tập đoàn công nghệ cho phép nhận các đơn đặt hàng thông qua các thiết bị loa thông minh hỗ trợ giọng nói.

Phương thức mua sắm bằng giọng nói cũng đang khá phát triển tại các thị trường khác. Ở Anh, tỷ lệ sử dụng loa thông minh của các hộ gia đình dự báo sẽ tăng lên tới 48% trong năm năm tới, qua đó giúp doanh số mua sắm bằng giọng nói đạt đến 4 tỷ USD vào năm 2022. Tại Pháp, các thiết bị Google Home đã được sử dụng để mua sắm tại Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Carrefour. Ngoài ra, các nhà bán lẻ Trung Quốc cũng đã hợp tác với các công ty công nghệ cho ra mắt nhiều dịch vụ tương tự.

Mua sam bang giong noi: Thi truong 40 tỷ USD hang nam
 

Lợi thế của Amazon

Trang prnewswire.com trích đăng các thống kê về mức độ phổ biến của trợ lý ảo ở Mỹ. Dẫn đầu danh sách là Amazon Alexa (10%), tiếp theo là Google Assistant (4%) và Microsoft Cortana (2%). Trợ lý ảo Siri của Apple đang bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh loa thông minh HomePod của hãng này chỉ mới bắt đầu tham gia thị trường. Công ty nghiên cứu thị trường RBC Capital Markets cũng nhận định Amazon đang có lợi thế lớn về mua sắm bằng giọng nói.

Nhà phân tích Mark Mahaney của công ty RBC đánh giá thành công của Amazon không chỉ dừng lại ở doanh số bán loa thông minh ấn tượng. Ông Mahaney cho rằng những thiết bị mang trợ lý ảo Alexa đang gián tiếp khuyến khích người tiêu dùng chọn những sản phẩm có trên Amazon, qua đó đẩy mạnh doanh số bán hàng của tập đoàn thương mại điện tử này.

Mua sam bang giong noi: Thi truong 40 tỷ USD hang nam
Phương thức mua sắm bằng giọng nói thông qua những chiếc loa thông minh là một cuộc đột phá. Nguồn: Business Wire

Trong các nền tảng thương mại điện tử cho phép sử dụng công nghệ trợ lý giọng nói, Amazon Choice hiện cũng đang đóng vai trò đầu tàu. Nền tảng này đang khuyến mãi mạnh cho các khách hàng mua sắm bằng loa thông minh do tập đoàn mẹ Amazon Inc. sản xuất. Mức khuyến mãi có thể lên đến 30% giá trị của món hàng. Chiến lược này giúp Amazon Choice giành được mức tăng trưởng thị phần áp đảo với 85% số người sử dụng công nghệ loa thông minh ở Mỹ lựa chọn Choice làm nền tảng mua sắm.

Trang prnewswire.com cho rằng đã đến lúc những nhà bán lẻ phải đẩy mạnh việc tích hợp tính năng mua bán bằng giọng nói nhằm tránh bị tụt hậu. Bài phân tích cũng lưu ý rằng đại đa số các mặt hàng được mua bằng loa thông minh thường có giá trị thấp. Trong đó 20% là thực phẩm, 19% hàng giải trí, 17% hàng điện tử và khoảng 8% là hàng may mặc. Để người mua chấp nhận bỏ tiền ra mua hàng có giá trị cao hơn thì các nhà bán lẻ chẳng những phải tạo niềm tin mà cả sự thích thú cho họ.

Nguồn CNBC/VTV