Mua ròng hợp đồng hàng hóa tăng mạnh nhất 8 tháng
Số vị thế mở (open interest) đối với các loại hàng hóa tăng 2,8% trong nửa đầu tháng 3, hướng đến tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Chỉ số S&P GSCI đo lường giá 24 mặt hàng thô tăng 0,9% trong năm nay.
Nhà đầu tư lạc quan hơn vào triển vọng giá hàng hóa trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết, tổng sản lượng công nghiệp Mỹ tăng 0,7% trong tháng 2, cao hơn dự báo 0,6% của các chuyên gia kinh tế trước đó và cao nhất trong 3 tháng. Nhu cầu tiêu dùng khôi phục, chi tiêu vốn tăng và tồn kho giảm đã thúc đẩy tốc độ làm việc của các dây chuyền sản xuất Mỹ. Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng 2 tăng 0,7%, lần tăng đầu tiên trong 4 tháng và tăng nhiều nhất kể từ tháng 6/2009. Còn theo báo cáo công bố hôm 13/3, doanh số bán lẻ Mỹ tăng 1,1% trong tháng 2, mạnh nhất 5 tháng. Bên cạnh đó, trong tuần kết thúc vào ngày 9/3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ xuống thấp nhất 5 năm.
Lượng nắm giữ các hợp đồng vàng tăng 9% lên 43.195 hợp đồng vào ngày 12/3, sau khi giảm 27% tuần trước đó. Giá vàng tăng 1% trong tuần qua, mức tăng mạnh nhất 2 tháng.
Lượng mua ròng các hợp đồng nông sản tăng 73% trong tuần kết thúc vào ngày 12/3 lên 243.238 hợp đồng, tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần.
Lượng nắm giữ bông tăng 12% lên 67.632 hợp đồng, cao nhất kể từ tháng 9/2010. Giá bông lên cao nhất 11 tháng tại 93,93 cent/pound vào ngày 15/3 do dự báo Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu.
Đặt cược giá lên vào ngô lên 87.679 hợp đồng, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7 khi giá ngô tăng 1,9% trong tuần qua. Lượng mua ròng đậu tương tăng 8,6% lên 139.344 hợp đồng, nhiều nhất kể từ tháng 11. Lượng bán ròng lúa mỳ giảm 10% xuống còn 41.519 hợp đồng khi giá tăng 3,7% trong tuần qua.
Lượng bán ròng đường giảm 75% xuống còn 11.540 hợp đồng, giá đường tăng 0,7% trong tuần qua.
Nguồn Bloomberg/Khampha