Mua nhà lại bối rối gói 30.000 tỉ đồng
Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3-2016, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng. Lãi suất ưu đãi áp dụng sẽ là 5%/năm cho đến khi giải ngân hết, thay vì kết thúc vào ngày 1-6-2016 như Thông tư 11/2013 của NHNN.
Đến nay, chỉ còn vài ngày nữa là tới hạn chót nhưng các ngân hàng thương mại vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghị quyết trên từ phía NHNN. Điều này không chỉ gây lúng túng cho các ngân hàng mà còn khiến người mua nhà phập phồng lo lắng.
Hồi hộp chờ hướng dẫn
Mặc dù biết thông tin Chính phủ tiếp tục cho phép giải ngân đến khi hết gói 30.000 tỉ đồng nhưng chị Thanh Loan, nhà ở quận 9, TP.HCM vẫn đứng ngồi không yên. Chị Loan mua căn hộ tại một dự án ở quận Tân Bình.
Chị Loan nói: “Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa biết mình có thuộc đối tượng được hưởng lãi suất ưu đãi hay không. Tôi đã đến gặp ngân hàng tham gia giải ngân gói tín dụng trên để hỏi cho rõ. Nhưng phía ngân hàng không có câu trả lời cụ thể là tôi được hưởng lãi suất ưu đãi hay phải chịu lãi vay thương mại cho phần giải ngân sau ngày 1-6. Theo tiến độ hoàn thiện dự án, tôi mới chỉ giải ngân được 60% giá trị căn nhà. Nếu khoản vay còn lại phải trả theo lãi suất thị trường thì thiệt thòi cho tôi quá”.
Hàng loạt người mua nhà khác cũng đang trong tâm trạng lo lắng như chị Loan. Không chỉ vậy, các công ty bất động sản cũng gặp lúng túng. Trước tình hình trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiệp hội vừa có văn bản kiến nghị NHNN sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết, để các ngân hàng thương mại có căn cứ thực hiện và người vay yên tâm.
HoREA cũng đề xuất NHNN cần thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng của từng ngân hàng thương mại. Sau ngày 31-5-2016, các ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân cho khách hàng vay đến hết hợp đồng theo tiến độ và điều kiện giải ngân đã xác định trong hợp đồng tín dụng để các doanh nghiệp và người vay yên tâm.
Phân tích thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định nếu đến ngày 1-6 mà các ngân hàng thương mại vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn về vấn đề này thì kể cả khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng chưa hết, các khoản vay giải ngân sau ngày 1-6 sẽ tính theo lãi suất thị trường.
“Mức lãi suất thương mại bao nhiêu tùy thuộc vào từng ngân hàng nhưng chắc chắn là sẽ cao hơn nhiều so với mức lãi suất ưu đãi 5%/năm của gói tín dụng này” - ông Hiếu cho biết.
Rủi ro rình rập người mua nhà
Việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn có thể gây nhiều rủi ro cho người mua nhà. Cụ thể, HoREA đã lên tiếng cảnh báo có hiện tượng cò mồi (có thể có quan hệ với chủ đầu tư) móc nối với khách hàng đã vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để ký khống biên bản bàn giao nhà để được giải ngân đến 95% hợp đồng vay, dù tiến độ dự án vẫn chưa đâu vào đâu.
Điều này theo HoREA không chỉ gây thiệt hại cho người vay mà còn có thể cho cả ngân hàng, vì chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn này vào mục đích khác mà không hoàn thành bàn giao nhà. Người vay còn bị thiệt vì sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn do việc giải ngân sớm.
Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích việc ký khống biên bản bàn giao là hành động mang tính chất lừa đảo. Trong trường hợp bị thanh tra NHNN phát hiện có sự gian dối, khách hàng có thể bị vướng vào những vụ kiện pháp lý.
Ông Hiếu lý giải: “Nếu chủ đầu tư sử dụng nguồn tiền không đúng mục đích sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và các vấn đề khác của dự án. Như vậy, mọi rủi ro sẽ đổ lên vai người mua nhà”.
Luật sư Huỳnh Trung cho biết thêm, theo Luật Kinh doanh bất động sản, trước khi bàn giao nhà, chủ đầu tư trong nước chỉ được phép huy động tối đa 70% giá trị hợp đồng. Trong trường hợp chủ đầu tư huy động phần lớn hoặc toàn bộ số vốn trước thời điểm bàn giao sẽ dẫn tới những hệ quả pháp lý như giao dịch mua bán của khách hàng có thể bị vô hiệu và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để tránh gặp phải các rủi ro trên, các chuyên gia khuyến cáo người mua nhà nên thận trọng trước các quyết định của mình, đừng vì cái lợi trước mắt mà đặt mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhiều rủi ro.
Không nên quá gấp gáp Một lãnh đạo của Ngân hàng ACB cho hay nếu khách hàng buộc phải giải ngân ngay cả khi chưa có văn bản hướng dẫn của NHNN thì họ sẽ phải chịu lãi suất thương mại. “Nhưng nếu không gấp gáp, khách hàng nên chờ văn bản hướng dẫn của NHNN để có cơ hội tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi cho khoản giải ngân sau ngày 1-6” - vị lãnh đạo ngân hàng này khuyến cáo. Trong khi đó, một cán bộ của NHNN tại TP.HCM cho biết những lo lắng của công ty bất động sản, người mua nhà về việc chưa có văn bản hướng dẫn là có cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức từ NHNN và đang chờ ý kiến từ các bộ, ngành liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn thực thi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng sau mốc 1-6. Khả năng tăng lãi suất là khó xảy ra vì Chính phủ đã đồng ý cho phép tiếp tục giải ngân đến khi hết gói 30.000 tỉ đồng. Mặt khác, theo định hướng chung của NHNN là giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đặc biệt là với lãi suất trung và dài hạn. Chuyên gia kinh tế CẤN VĂN LỰC |
Nguồn PLO