Mua lại Xi măng Thăng Long: Món hời của Semen Gresikl
Semen Gresik là tập đoàn xi măng lớn nhất tại Indonesia đang sở hữu 70% cổ phần tại Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long (với nhà máy đặt tại huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh và trạm nghiền xi măng tại Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM). Còn Xi măng Thăng Long vốn được sáng lập bởi một số cổ đông trong nước, trong đó cổ đông chính là Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).
Sau khi về với Semen Gresik, thương hiệu Xi măng Thăng Long đã nhanh chóng có tên trên bản đồ xuất khẩu, với sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 40%/năm, chủ yếu sang thị trường Indonesia, Singapore và một số nước Trung Đông. Điều đáng nói hơn, việc Semen Gresik mua lại cổ phần của công ty này diễn ra vào năm 2012, thời điểm mà nhiều doanh nghiệp xi măng trong nước gặp khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ, còn thị trường Indonesia lại đang phải nhập khẩu xi măng, clinker.
Từng được giới chuyên môn đánh giá là thương vụ ấn tượng của năm, tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia đang chứng tỏ cho doanh nghiệp trong nước thấy rằng, mua lại Xi măng Thăng Long là một món hời lớn với họ. Cụ thể, Xi măng Thăng Long đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường xi măng trong nước, lại có nhà máy chính nằm cạnh Cảng biển nước sâu Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh), có vị trí gần hệ thống đường thủy nội địa và đường cao tốc liên tỉnh.
Đặc biệt, nhà máy tọa lạc gần cảng biển quốc tế, thuận lợi cho khâu phân phối sản phẩm với chi phí thấp. Thậm chí, theo tính toán của phía Indonesia, chi phí vận chuyển xi măng sang thị trường này có thể thấp hơn cả việc vận chuyển tiêu thụ tại Việt Nam.
Sau khi về với chủ mới, năm 2013, khi sức cầu thị trường xi măng trong nước còn khá yếu thì Xi măng Thăng Long vẫn chạy hết 100% công suất nhờ thị trường tiêu thụ ổn định cả nội địa lẫn xuất khẩu. Mặc dù không công bố doanh thu, nhưng ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long 2 xác nhận, 2,3 triệu tấn xi măng của Nhà máy đã được tiêu thụ hết trong năm 2013, không có cảnh tồn kho.
Đầu tháng 10/2014, Công ty đã mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới, khi xuất khẩu lô hàng 4.000 tấn xi măng bao sang thị trường Philippines, một thị trường được đánh giá là khó tính về mặt chất lượng và thủ tục cấp phép xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp ngoại có nhiều thuận lợi khi mua lại các nhà máy xi măng sẵn có tại Việt Nam. Nếu đầu tư nhà máy xi măng mới, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là sự gian nan của các thủ tục xin cấp phép, tìm địa điểm xây dựng nhà máy, khai thác mỏ đá…
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, giống như lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam thâu tóm ngành xi măng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xi măng trong nước đang làm ăn kinh doanh tốt thì sao phải bán cho nước ngoài để lợi nhuận chảy vào túi họ và Việt Nam phải chịu gánh nặng lớn về môi trường.
Được biết, chính vì những lý do trên mà 2 năm trước, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có một loạt kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, trong đó kiến nghị không để các tập đoàn xi măng nước ngoài thôn tính các nhà máy xi măng lớn đang có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
"Xi măng là mặt hàng chiến lược hết sức quan trọng gắn với tài nguyên không tái tạo, vị trí mỗi nhà máy xi măng gắn với an ninh quốc phòng. Vì vậy, việc bán cho đối tác nước ngoài cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng", ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn Đầu tư