Ảnh: theatlantic.com

 
Đàm Hoa Thứ Hai | 18/03/2019 14:00

Mùa đông quét qua các startup kỳ lân

Các startup công nghệ tại Trung Quốc ngày càng khó gọi vốn và đang phải giảm mạnh lao động.

“Chỉ khi mùa đông đến chúng ta mới thấy được sức cường của thông và cây bách”, Robin Li, ông chủ của Baidu, nhận định trong một lá thư gửi cho nhân viên trong năm mới. Đó là một lời thừa nhận đầy ẩn ý rằng mùa đông giá rét đang quét qua ngành công nghệ Trung Quốc. Dòng vốn rót hào phóng đã không còn. Các đợt sa thải lao động cũng tăng gấp nhiều lần. Thậm chí, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng không tránh khỏi số phận và đang phải cắt giảm mạnh các khoản thưởng và chi phí đi lại của nhân viên.

Cơn giá rét này là một sự đảo ngược hoàn toàn đối với nhiều công ty công nghệ như Meituan-Dianping, một startup kỳ lân nổi tiếng của Trung Quốc. Đầu năm ngoái, các startup vẫn còn trong tình trạng sung sức và thu về số vốn đầu tư khổng lồ. Số tiền các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc huy động được trong nửa đầu năm 2018 nhiều hơn cả ở Mỹ và là lần đầu tiên xảy ra: 56 tỉ USD so với 42 tỉ USD, theo Preqin. Tính đến mùa thu năm ngoái, có tới 86 startup kỳ lân mới đã ra đời.

Mua dong quet qua cac startup ky lan
 

Sau đó, mùa đông lại đến. Khơi mào là vụ bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu mà trong đó có cả các “đại gia” Alibaba và Tencent. Nhiều người ngày càng tỏ ra lo ngại về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong một nền kinh tế đang chậm lại cũng như thời điểm sinh lãi của các startup được định giá cao. Thậm chí, tăng trưởng doanh số tại các gã khổng lồ công nghệ cũng đang chậm lại. Trong quý III/2018, JD.com đã báo cáo tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng quý chậm nhất kể từ năm 2014 và là lần đầu tiên sụt giảm về số người sử dụng mới.

Trong suốt 3 tháng cuối của năm 2018, số lượng thương vụ cam kết rót vốn mạo hiểm cho các startup trẻ đã giảm tới 2/5 và số vốn rót từ quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân cũng giảm tới hơn 25%, về dưới 10 tỉ USD, so với 3 tháng trước, theo CB Insights. Không thể huy động vốn, một loạt các quỹ nhỏ đã biến mất.

Đà sa sút này một phần liên quan đến nguồn cung vốn đầu tư mạo hiểm hơn là sự vỡ mộng đối với các startup kỳ lân. Chẳng hạn, Chính phủ đã thẳng tay đối với nguồn tài trợ vốn không chính thức, mà phần lớn vốn mạo hiểm lại đến từ các nguồn này. Nhưng các nhà đầu tư lớn cũng tỏ ra thận trọng hơn đối với các công ty công nghệ. Tình cảnh của Ofo, một startup kỳ lân trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp, là ví dụ. Ofo đã huy động 7 vòng cấp vốn trong vòng 18 tháng, được định giá tới 2 tỉ USD. Giờ nó gần như phá sản.

Các startup đang tìm vốn đầu tư giai đoạn đầu cũng cảm thấy mùa đông quá buốt giá. Yuqing Guo, một đối tác tại hãng tư vấn PwC, cho biết các nhà đầu tư nói rằng họ chỉ nên trông đợi bằng phân nửa mức định giá cách đó 1 năm. Trước kia hào hứng bao nhiêu thì nay tâm lý nhà đầu tư là chờ đợi. Các thương vụ giờ mất thời gian lâu hơn nhiều mới hoàn tất: một vòng gọi vốn từng mất chỉ 1 tháng nay là 6 tháng, theo Nisa Leung, thuộc Qiming Venture Partners, một nhà đầu tư lớn vào công nghệ Trung Quốc.

Khi dòng tiền từ khu vực tư nhân ngày càng khó thu hút hơn, càng nhiều công ty có tên tuổi quay sang kiếm vốn từ các thị trường đại chúng, nhưng cũng không khả quan. Cổ phiếu tại Meituan-Dianping và Ping An Good Doctor, ứng dụng chăm sóc y tế trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đã giảm 10% so với mức chào bán.

Trong khi đó, niềm tin doanh nghiệp Trung Quốc quý IV/2018 đã ở mức thấp nhất trong 6 quý vừa qua, theo một khảo sát của Ngân hàng Trung ương. Nước này đã mất đi khoảng 160 tỉ phú do đà sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán vào năm ngoái, theo hãng tư vấn Hurun. Tài sản của Ma Huateng (ông chủ Tencent) đã giảm tới 43% trong năm 2018 còn chỉ 27 tỉ USD vào tháng 10.2018. Quý II/2018, Công ty ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận hằng quý đầu tiên kể từ năm 2005.

Các công ty đang phải tìm kiếm những phương thức khác để thu hút người sử dụng và nguồn thu. Karen Chan, thuộc Jefferies, dự kiến tốc độ tăng trưởng ngân sách quảng cáo trực tuyến của Trung Quốc sẽ chậm lại từ mức 30% của 2 năm qua còn chỉ 17% năm nay.

Mua dong quet qua cac startup ky lan
 

Baidu, Alibaba và Tencent cũng như Meituan-Dianping và Xiaomi đã tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc trong đó có sa thải lao động hoặc giảm tuyển dụng mới. ứng dụng gọi xe Didi Chuxing đã giảm phân nửa tiền thưởng cuối năm cho nhân viên. Có nhiều thông tin đồn đoán về các đợt sa thải quy mô lớn: Zhihu, một website hỏi đáp, được cho rằng đã sa thải 300 lao động trong tháng 12 (Zhihu phủ nhận). Các vị trí tuyển dụng trong ngành internet cũng giảm 40% trong quý I/2018 so với năm trước đó, theo số liệu từ Zhaopin.

Câu hỏi đặt ra là “mùa đông này sẽ kéo dài bao lâu?”. Một số nhà đầu tư cho rằng mùa đông sắp đi qua. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hồi sinh trong năm 2019. Một ban cải tiến mới ở Thượng Hải, dựa theo mô hình Nasdaq sẽ khuyến khích chào bán các cổ phiếu công nghệ địa phương, với quy định cho phép ngay cả một số startup thua lỗ được lên sàn.

Tuy nhiên, muốn tồn tại, các startup kỳ lân của Trung Quốc cần phải trở nên khác biệt. Nhiều startup đang bành trướng không phải ở các cứ điểm quen thuộc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến mà ở các thành phố hạng 2 như Vũ Hán, Thành Đô, Tây An do nhu cầu giảm chi phí hoạt động. Các thành phố này đang thu hút những thanh niên có tài và các startup mà họ muốn làm việc. Giới chức thành phố cũng trợ cấp nhà ở và nới lỏng quy định đăng ký tạm trú.

Mua dong quet qua cac startup ky lan
 

Xiaohongshu, mạng xã hội nổi tiếng về thời trang và sắc đẹp, đã dời đô từ Thượng Hải sang Vũ Hán vào năm 2017. Văn phòng lớn nhất của nó hiện ở Vũ Hán. Chi phí thấp hơn đã cho phép trang mạng này tăng trưởng nhanh chóng. Xiaohongshu cũng chiêu dụ những người giỏi nhất chuyển về tỉnh bằng cách cấp mức lương hậu hĩnh. Xiaohongshu được định giá hơn 3 tỉ USD trong vòng cấp vốn vào tháng 6 (dẫn đầu bởi Alibaba). Tao Yun, điều hành Xiaohongshu ở Vũ Hán, nhận định mùa đông của ngành công nghệ cho thấy, điều các startup cần không chỉ là “một câu chuyện hay và tốc độ tăng trưởng mạnh” mà còn là những con số hấp dẫn.

Nguồn Economist